Ngân hàng Vietcombank mở thêm 10 chi nhánh
Ngân hàng Vietcombank mở thêm 10 chi nhánh
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sáng nay, 14-3, khai trương năm chi nhánh tại TPHCM và dự kiến sẽ sớm mở thêm năm chi nhánh nữa.
Đây là một trong số rất ít ngân hàng được mở nhiều chi nhánh trong thời điểm cơ quan quản lý rất khắt khe với việc cấp phép mở thêm chi nhánh mới cho các ngân hàng Việt Nam.
Năm chi nhánh mới của VCB tại TPHCM hiện đã đi vào hoạt động gồm: Tây Sài Gòn, Quận 2, Quận 8, Quận 9 và Gò Vấp. Năm chi nhánh dự kiến sẽ mở thêm sắp tới là Nam Hải Phòng, Nam Đà Nẵng, Phú Quốc, Hưng Yên, Bình Phước, theo sự chấp thuận của NHNN hôm 2-3. Ngân hàng Vietcombank hiện có trên 450 chi nhánh, phòng giao dịch.
Việc mở chi nhánh mới với các ngân hàng nay đã không còn dễ dàng như trước, nó phụ thuộc nhiều vào kết quả hoạt động của ngân hàng cũng như các tiêu chuẩn khắt khe của cơ quan cấp phép là NHNN.
Một trong lý do VCB được mở nhiều chi nhánh có thể thấy là do những kết quả kinh doanh tích cực gần đây so với các ngân hàng khác.
Báo cáo tài chính quý 4 của VCB công bố cho thấy ngân hàng vượt trội các ngân hàng gốc quốc doanh như BIDV, Vietinbank trong hầu hết tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động.
VCB ghi nhận 12.897 tỉ đồng lợi nhuận trước dự phòng cho năm 2015, tăng 23% so với năm 2014 do cho vay khách hàng tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng 19,7%, cao hơn so với mục tiêu 13% mà ngân hàng đề ra. Lợi nhuận trước thuế năm 2015, đạt 6.829 tỉ đồng, cao hơn 15,7% so với mục tiêu đề ra. Lợi nhuận ròng đạt 5.314 tỉ đồng, tăng 15,7% so với năm 2014 và đạt 94% dự báo cho năm 2015.
Mức lợi nhuận ròng của VCB không cao nhất trong khối ngân hàng gốc quốc doanh song VCB được nhìn nhận tích cực do trích lập dự phòng cho nợ xấu với tỷ lệ lớn nhất trong các ngân hàng. Chi phí dự phòng trong năm 2015 lên đến 6.068 tỉ đồng, tăng tới 33%.
VCB cũng là ngân hàng quốc doanh duy nhất gia tăng dự phòng cụ thể đối với các khoản vay. Trong khi đó, nợ xấu bán cho VAMC so với cho vay khách hàng cũng ở mức thấp nhất 0,9% so với các ngân hàng bạn như ACB với 1,6%, 1,1% của Vietinbank và 2,5% của BIDV.
Ngân hàng hiện có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức trung bình, hơn 11%. Mức CAR này có thể chỉ còn dưới 8% khi NHNN áp dụng thí điểm các tiêu chí của Basel 2 với 10 ngân hàng sắp tới.
Tuy nhiên, VCB còn một vấn đề cần giải quyết trong năm nay là việc cần sớm tăng vốn chủ sở hữu.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC), VCB sẽ phải tăng vốn bằng ba cách: Thứ nhất, phát hành cổ phiếu sơ cấp cho các nhà đầu tư tổ chức. Thứ hai, phát hành nợ thứ cấp lên đến 50% vốn cấp I. Thứ ba là giảm cổ phần đang nắm giữ tại các ngân hàng cổ phần khác gồm Xuất nhập khẩu (Eximbank), Quân đội (MB), Phương Đông (OCB) và Sài Gòn Công thương. Lựa chọn thứ ba này không chỉ làm vốn tăng mà còn giúp VCB tuân thủ mức trần sở hữu chéo 5% mà NHNN đưa ra.
Câu hỏi còn lại nằm ở chỗ VCB phải tìm được người mua số cổ phần này.
(Theo thesaigontime)