“Bí kíp” gửi tiết kiệm hiệu quả khi dịch kéo dài

“Bí kíp” gửi tiết kiệm hiệu quả khi dịch kéo dài

Trong thời buổi khó khăn vì dịch COVID-19, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn cho lợi nhuận tốt. Để tối ưu hóa khoản tiền gửi của khách hàng, nhiều ngân hàng đã mang tới nhiều giải pháp để gửi tiết kiệm nhận được lãi suất cao hơn thông thường, thêm tiện ích và giảm được nỗi lo tài chính.

Ưu tiên gửi tiết kiệm online

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để đảm bảo trang trải cuộc sống, nên gửi tiết kiệm từ 10 – 20% thu nhập mỗi tháng. Cách dễ nhất để thực hiện việc này là trích ra một khoản ngay khi nhận lương để gửi tiết kiệm theo hình thức trực tuyến (online). Việc này giúp hạn chế đi lại, tiếp xúc xã hội nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, gửi tiết kiệm online cũng thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho khách hàng, chỉ cần vài thao tác đã hoàn thành việc gửi tiết kiệm mà không cần mất thời gian đến quầy, chờ đợi.

Không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, mà theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, kể từ khi dịch có diễn biến phức tạp, đa số các ngân hàng đều có sự ưu ái cho khách hàng gửi tiết kiệm online bằng việc cộng thêm lãi suất từ 0,1-0,5% so với gửi trực tiếp tại quầy. Mới đây, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã triển khai chương trình tặng thêm 0,4% lãi suất tiền gửi online dành cho khách hàng cá nhân với tối thiểu 500.000 đồng và kỳ hạn từ 1-12 tháng, chương trình có hạn mức 1.000 tỷ đồng, áp dụng từ nay đến hết tháng 12/2021.

Cũng nhằm hỗ trợ cho khách hàng trước khó khăn mùa dịch, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết tùy theo kỳ hạn và món tiền gửi, lãi suất gửi tiết kiệm online của khách hàng sẽ được cộng thêm tới 0,4%/năm so với cách gửi thông thường. Với kỳ hạn từ 1-12 tháng, lãi suất sẽ được cộng 0,3% với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng; cộng lãi suất 0,4%/năm với khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng. Còn các kỳ hạn từ 13-24 tháng khi gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ được cộng 0,3% lãi suất.

Đặc biệt, một số ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất cho các sản phẩm tiết kiệm online. Đơn cử, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) trong tháng 9 có sự thay đổi tại một số kỳ hạn khoảng từ 3,75%/năm đến 7,0%/năm. Riêng đối với các khoản tiết kiệm online, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,1%/năm.

Dù không có mức lãi suất tiết kiệm trực tuyến cạnh tranh như Viet A Bank nhưng Ngân hàng TMCP Tiên Phong cũng áp dụng mức tương đối cao là 6,15%, gói Super Savy là 6,35% khi gửi tiền kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng.

Là khách hàng thân thiết của kênh tiết kiệm online, ông Nguyễn Huy Cận 64 tuổi (TP. Hà Nội) chia sẻ, với gửi tiết kiệm truyền thống ông rất vất vả khi vô tình làm mất sổ tiết kiệm. Gửi tiết kiệm online vừa dễ dàng vừa nhận được lãi suất cao hơn so với cách gửi thông thường. Hơn thế nữa, ông không phải di chuyển, tiết kiệm được thời gian đi lại, đặc biệt không tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Tối ưu hóa khoản tiền tiết kiệm

Không chỉ hỗ trợ về lãi suất, các ngân hàng đang từng bước nâng cấp các dịch vụ để khách hàng tối ưu hóa được khoản tiền tiết kiệm.

Thay vì phải đến trực tiếp ngân hàng để mở tài khoản tiết kiệm, khách hàng có thể mở ngay trên ứng dụng ngân hàng số. Với công nghệ số eKYC, khách hàng sẽ giải quyết được “3 không” khi mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến, đó là không cần đến quầy giao dịch, không mất thời gian xếp hàng chờ đợi và không lo thủ tục, giấy tờ rườm rà. Hiện một số ngân hàng đang áp dụng công nghệ này như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP (Quân đội), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…

Bên cạnh đó, các chuyên gia tiêu dùng khuyến cáo, mẹo gửi tiết kiệm thông minh là tạo nhiều khoản tiết kiệm với nhiều mức kỳ hạn khác nhau và cân nhắc kế hoạch sử dụng tiền thực tế để lựa chọn kỳ hạn phù hợp. Nếu tình hình tài chính không ổn định nên chọn các kỳ hạn ngắn và chia nhỏ nhiều tài khoản tiết kiệm để khi cần tiền có thể rút một vài tài khoản, tránh bị mất lãi trên toàn bộ số tiền. Phục vụ nhu cầu này, một số nhà băng đã thiết kế các sản phẩm tiết kiệm có kỳ hạn rất đa dạng với kỳ hạn ngắn 1 tuần đến 3 tháng; kỳ hạn dài từ trên 6 tháng đến 36 tháng.

Để tối ưu hóa khoản tiền tiết kiệm, khách hàng còn phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu sử dụng. Ví dụ, với các khách hàng ở lứa tuổi 50, họ không chỉ có nhu cầu sinh lời mà còn quan tâm đến các sản phẩm sức khỏe và bình an nên các ngân hàng đã và đang đều đặn triển khai chương trình với chính sách tuổi càng cao, lãi suất càng lớn, tặng ưu đãi khi mua thêm các sản phẩm bảo hiểm, hoàn tiền khi đi khám sức khỏe định kỳ…

Đặc biệt, đối với khách hàng có sổ tiết kiệm gửi tại quầy nhưng thuộc diện F0 nhưng đến thời hạn tất toán hoặc gia hạn sổ tiết kiệm, các nhà băng cũng nỗ lực hỗ trợ. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) sẽ linh hoạt chuyển đổi sang hình thức tiết kiệm online nếu có nhu cầu. Từ đó khách hàng có thể rút tiền một cách thuận lợi, kịp thời mà không cần phải trực tiếp đến chi nhánh ngay trong thời gian cách ly. Các chứng từ và thủ tục cần thiết theo đúng quy định sẽ được ngân hàng hỗ trợ gia hạn để khách hàng đến quầy giao dịch thực hiện sau khi hết thời gian điều trị.

Hơn thế nữa, một chuyên gia cho rằng, muốn gửi tiết kiệm tối ưu, cần phải thay đổi quan niệm phân biệt ngân hàng có vốn nhà nước với các ngân hàng cổ phần. Thực tế, các ngân hàng dù lớn hay nhỏ đều chịu sự quản lý và tuân thủ các quy định an toàn khắt khe từ cơ quan quản lý nhà nước. Tăng khả năng cạnh tranh cho các ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được mức lãi suất tiết kiệm ưu đãi và chính sách hỗ trợ phù hợp hơn.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Hương Giang – Thời báo ngân hàng

Share this post