Còn nhiều quy định ‘làm khó’ quỹ tín dụng nhân dân
Còn nhiều quy định ‘làm khó’ quỹ tín dụng nhân dân
Theo phản ánh của đại diện một số quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), các quy định trong Thông tư 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về QTDND đang “làm khó” cho hoạt động của các quỹ này.
Khó huy động vốn góp
Theo số liệu từ NHNN, tính tới hết tháng 10/2017, cả nước có gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân, huy động trên 82.000 tỷ đồng và cho vay khoảng 76.000 tỷ đồng; cung cấp tín dụng cho khoảng 8 – 9 triệu người, hoạt động ở 57 tỉnh/thành.
Trong số các loại hình tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng nhân dân đang là mô hình có tỷ suất sinh lời dẫn đầu hệ thống, cao hơn hẳn các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ nợ xấu cũng thấp nhất trong hệ thống, chỉ dưới 1%. Lãi suất cho vay tại các Quỹ tín dụng nhân dân tuy cao hơn ngân hàng nhưng vẫn thấp hơn nhiều nếu so với các “hụi”, dịch vụ cầm đồ hay tín dụng “đen”. Do đó, mô hình Quỹ tín dụng nhân dân được NHNN cho là cách thức tốt để hạn chế tín dụng “đen” trong nông thôn.
Tuy nhiên, các Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay đang hoạt động rất khó khăn và cầm chừng, do phần lớn đều có quy mô nhỏ; hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông thôn; năng lực quản lý, điều hành, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn hạn chế. Đặc biệt, từ sau khi thực hiện theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN, các Quỹ tín dụng nhân dân lại càng thêm khó khăn.
Anh Đỗ Minh Huy – nhân viên kế toán tại Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội cho biết, với quy định vốn góp xác định tư cách thành viên là 300.000 đồng/người, phí duy trì tư cách thành viên tối thiểu 100.000 đồng/người/năm khiến nhiều thành viên không mặn mà nên rút khỏi quỹ. Điều này khiến quy mô của Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Phúc giảm xuống từ 1.000 thành viên còn 600 thành viên trong thời điểm hiện tại. Việc huy động vốn góp của các thành viên trong quỹ cũng gặp nhiều khó khăn.
Cũng là một trong những thành viên tham gia góp vốn tại một Quỹ tín dụng nhân dân ở Quế Võ, Bắc Ninh – chị Đặng Thị Khuyên cho biết, hiện có những ràng buộc gây khó cho hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, như: Tiền gửi thành viên phải đạt 60%, nhưng những người gửi tiền lại không tham gia thành viên. Hơn nữa, người dân muốn trở thành thành viên quỹ để sử dụng dịch vụ thì phải góp vốn, phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5% trên lợi tức vốn góp, trong khi lợi tức của họ không bao nhiêu, nên rất khó để vận động nhân dân tham gia vào quỹ.
Đề xuất bỏ quy định vốn góp thường niên
Để tháo gỡ những khó khăn trên, đại diện nhiều Quỹ tín dụng nhân dân cho rằng, cần sửa đổi một số điều chưa hợp lý trong Thông tư 04, như bỏ quy định vốn góp thường niên hàng năm, vì điều này làm xáo trộn vốn điều lệ. Đồng thời bỏ quy định về tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên để Quỹ tín dụng nhân dân thực hiện huy động vốn được thuận lợi như các tổ chức tín dụng khác; giảm số lượng thành viên tham gia đại hội để giảm chi phí và phù hợp với hoạt động…
Hiện NHNN đang triển khai Đề án Phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, theo đó, sẽ tiếp tục mở rộng Quỹ tín dụng nhân dân tại nông thôn. Khi hoàn thiện tất cả các mặt hoạt động, Quỹ tín dụng nhân dân sẽ có vai trò lớn trong việc đẩy lùi nạn tín dụng đen, đồng thời, lấp đầy những khoảng trống mà ngân hàng thương mại không thể đáp ứng.
Bàn về hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch hội đồng thành viên, Công ty Luật Basico cho rằng, để duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động của hệ thống này phải được công khai, minh bạch. Điều đó đòi hỏi hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phải thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và quy định của pháp luật hiện hành.
Về phía cơ quan quản lý là NHNN chi nhánh các tỉnh thành, cần hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị điều hành của Quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt là hệ thống kiểm toán nội bộ, đảm bảo người quản lý điều hành quỹ phải đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực và trình độ theo quy định.
NHNN cần rà soát quy định về an toàn hoạt động, quản trị, điều hành và thu hồi giấy phép, sửa đổi quy định vốn pháp định phù hợp với thực tiễn hoạt động và yêu cầu đảm bảo an toàn của Quỹ tín dụng nhân dân trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy trình huy động và cho vay, giám sát được rủi ro và có biện pháp kiểm tra, xử lý khi vi phạm./.
(Trích thoibaotaichinhvietnam)