Làm gì để Quỹ tín dụng nhân dân phát huy hiệu quả ?
Làm gì để Quỹ tín dụng nhân dân phát huy hiệu quả ?
Trên thực tế, Quỹ tín dụng nhân dân mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của khu vực nông nghiệp, nông thôn và các hộ gia đình.
Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) được biết đến là địa chỉ cung cấp vốn và dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng có năng lực tài chính yếu (người thu nhập thấp, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ…) khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại..
Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giảm nạn cho vay nặng lãi – “tín dụng đen” tại các địa phương.
Tuy nhiên, gần đây một số Quỹ TDND hoạt động kém hiệu quả đang làm “con sâu bỏ dầu nồi canh”. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trịnh Quốc Trung, Trường Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò cấp vốn của hệ thống Quỹ TDND trong phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã?
PGS.TS Trịnh Quốc Trung: Trong một chừng mực nào đó, hệ thống Quỹ TDND đã giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giúp xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi, ổn định chính trị, an ninh – xã hội tại nông thôn.
Xét về quy mô, đến 31/12/ 2017, tổng tài sản là 102.584 tỷ đồng tăng 17,62% so với 31/12/2016 với 99,5% tổng dư nợ là dành cho các thành viên và tổng dư nợ đạt 79.367,5 tỷ đồng, tăng 4.906,5 tỷ đồng so với năm 2016. Tuy nhiên, thị phần tài sản của các Quỹ TDND chỉ đạt 1% trong tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Xét về hiệu quả hoạt động tính bằng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) thì hoạt động của các Qũy TDND thường chỉ thấp hơn các Công ty tài chính và cho thuê tài chính, trong khi cao hơn hẳn các ngân hàng khác cũng như tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 1% – tốt hơn so với hệ thống ngân hàng nói chung.
Tuy đã có những bước phát triển so với trước đây trong việc cung cấp vốn và dịch vụ ngân hàng cho người nghèo, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ… nhưng trên thực tế Quỹ TDND mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của khu vực nông nghiệp, nông thôn và các hộ gia đình.
Nhìn chung, vai trò của hệ thống Quỹ TDND trong bức tranh tổng thể còn khá mờ nhạt, chưa khai thác hết tiềm năng, cơ hội cũng như còn tồn tại nhiều điểm yếu cần khắc phục để có thể phát triển tốt hơn trong thời gian tới.
Phóng viên: Vậy ông cụ thể những lợi thế cũng như khó khăn của hệ thống này so với khối ngân hàng thương mại ra sao?
PGS.TS Trịnh Quốc Trung: Một số khảo sát cho thấy, hiện có khoảng 70% dân số và lao động của Việt Nam vẫn đang sống ở các vùng nông thôn và tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng chính thức, nhưng phần lớn hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn chỉ tập trung ở các vùng công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại.
Do vậy, với mạng lưới gần 1.200 Quỹ TDND đang hoạt động với khoảng hơn 1,9 triệu thành viên ở 57 tỉnh, thành phố trên cả nước (theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tính đến ngày 31/12/2017), Quỹ TDND có lợi thế hiểu rõ khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ huy động, vay vốn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng về góc độ quy trình, thủ tục, thời gian và địa điểm tiếp cận.
Tuy vậy, không phải không có những khó khăn. So với ngân hàng thương mại, quy mô vốn chủ sở hữu và quy mô hoạt động của Quỹ TDND nhỏ, phạm vi hoạt động hạn chế, chủ yếu tập trung ở địa bàn nông thôn và cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nên dễ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi trong lĩnh vực này như được mùa – mất giá hoặc dịch bệnh…. nhưng lại chưa có biện pháp hỗ trợ hoặc phòng ngừa cho các thiệt hại ấy.
Tiếp đó, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ lãnh đạo của các Quỹ TDND còn nhiều hạn chế. Đặc biệt khi nhiều người chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, quản lý và pháp lý dẫn đến nhiều hệ lụy khi đưa ra các quyết định có tính rủi ro cao trong quá trình huy động, cho vay và cung cấp các dịch vụ khác cho khách hàng.
Không chỉ có vậy, sản phẩm, dịch vụ của các quỹ không đa dạng, phong phú như các ngân hàng thương mại, nhất là các dịch vụ thanh toán và hỗ trợ kinh doanh; hệ thống mạng lưới hoạt động hẹp, không thể đa dạng để giảm thiểu rủi ro cũng như khả năng tiếp cận và xây dựng nền tảng khách hàng bền vững thấp; khả năng cung cấp dịch vụ bị hạn chế về quy mô so với nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại ngày càng gia tăng với xu hướng mở rộng mạng lưới chi nhánh cũng như áp dụng công nghệ mới vào việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng là yếu tố gây khó khăn cho hoạt động của các Quỹ TDND.
Mặt khác, các quy định pháp luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành có xu hướng “xiết chặt” hoạt động của các Quỹ TDND như các ngân hàng thương mại (NHTM) trong điều kiện quy mô, địa bàn hoạt động của Quỹ TDND không tương xứng, dẫn đến nguy cơ không phát triển được trong dài hạn.
Ví dụ như việc áp dụng quy định tỉ lệ an toàn vốn là một khách hàng không được vay quá 15% vốn tự có hoặc 25% vốn tự có nếu cả gia đình là thành viên của quỹ dẫn đến tình trạng Quỹ TDND không thể đáp ứng được nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các thành viên; hoặc quy định về huy động vốn phải đạt 50% vốn thành viên (đối với Quỹ TDND hoạt động trên địa bàn xã, phường, thị trấn), tối thiểu bằng 60% (đối với Quỹ TDND hoạt động liên xã, liên phường) đã hạn chế thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội và giảm khả năng huy động vốn của Quỹ TDND.
Phóng viên:Thời gian qua, có một số vụ việc tiêu cực liên quan đến đạo đức của cán bộ quỹ tín dụng, gây mất uy tín hoạt động của Quỹ TDND. Theo ông, đâu là nguyên nhân của những vụ việc này và trách nhiệm của các cơ quan liên quan ra sao?
PGS.TS Trịnh Quốc Trung: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc này là do hoạt động của Quỹ TDND còn mang tính gia đình, do các thành viên có liên quan với nhau kiểm soát hầu hết các hoạt động của quỹ dẫn đến các vị trí chủ chốt của Quỹ TDND bị thao túng theo hướng có lợi cho bản thân.
Mặt khác, quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ TDND chưa có yêu cầu và tách bạch rõ ràng như các NHTM vì qui mô và phạm vi hoạt động nhỏ. Hơn thế nữa, các thành viên tham gia quản lý, điều hành Quỹ TDND có năng lực hạn chế trong hoạt động kinh doanh tiền tệ.
Trong khi đó, hoạt động giám sát, kiểm tra chưa hiệu quả của các bên có liên quan như chi nhánh NHNN tại địa phương, UBND xã, phường nơi Quỹ TDND đặt trụ sở và hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank).
Phóng viên: Trước thực trạng này, theo ông ngoài yếu tố con người, cần phải có thêm điều kiện gì để Qũy TDND hoạt động hiệu quả?
PGS.TS Trịnh Quốc Trung: Hiện nay các Quỹ TDND hoạt động tương tự như một ngân hàng thu nhỏ, độc lập và được kết nối thông qua Ngân hàng Hợp tác xã với mục tiêu chủ yếu là liên kết, bảo đảm an toàn của hệ thống thông qua việc hỗ trợ tài chính và giám sát hoạt động trong hệ thống Quỹ TDND – hoạt động chủ yếu là điều hòa vốn và thực hiện các hoạt động ngân hàng đối với các thành viên là các Quỹ TDND.
Các Quỹ TDND không có được lợi thế về quy mô hoạt động như các ngân hàng thương mại để thành lập và phân chia các bộ phận chức năng nhằm tách biệt các hoạt động mang tính rủi ro trong kinh doanh tiền tệ ngân hàng do chi phí vận hành quá cao.
Đặc biệt, việc đa dạng hóa rủi ro là điều không khả thi cũng như không đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ tài chính như tài khoản thanh toán, nhờ thu, thẻ tín dụng…
Ngoài ra, việc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện chiến lược mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch từ quy mô hiện tại là 27 chi nhánh và 70 phòng giao dịch dẫn đến hoạt động cạnh tranh nội bộ giữa ngân hàng này và các Quỹ TDND thành viên.
Do vậy, để hoạt động hiệu quả, các Quỹ TDND phải thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ của Ngân hàng Hợp tác xã, tương tự như một chi nhánh của ngân hàng thương mại để có thể tận dụng lợi thế quy mô; xây dựng chuẩn mực chung về tổ chức, hoạt động giữa các Quỹ TDND; khai thác cơ sở khách hàng hiệu quả; cung cấp dịch vụ đa dạng, phong phú; đa dạng hóa rủi ro… thay vì các Quỹ TDND dường như là một ngân hàng nhỏ mang tính độc lập hiện nay.
Điều này có nghĩa là toàn bộ vốn điều lệ của từng Quỹ TDND sẽ trở thành phần vốn góp vào Ngân hàng Hợp tác xã và Ngân hàng Hợp tác xã sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hoạt động cho các Quỹ TDND tương tự như mối quan hệ giữa NHTM và các chi nhánh của mình.
Ngoài ra, việc này cũng đem lại hiệu quả cho hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi trong việc đảm bảo hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.
(Trích bnews.vn)