Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm

Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm

Cuối năm, nhu cầu về vốn vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao hơn do phải gấp rút hoàn thành đơn hàng và chuẩn bị cho năm 2022. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi, sẵn sàng bổ sung nguồn vốn kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Lãi suất tiết kiệm tăng từ 0,1-0,8%

Trong những ngày qua, các ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất tiết kiệm để huy động thêm nguồn lực cho vay, hỗ trợ nền kinh tế từ tiền nhàn rỗi của người dân. Theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, các nhà băng từ khối ngân hàng quốc doanh đến các ngân hàng thương mại đều đang có sự thay đổi về mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo chiều hướng tăng từ 0,1-0,8%.

Cụ thể, ở khối ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp mức lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đến 60 tháng so với tháng trước. Nhờ đó, mức lãi suất tiết kiệm được niêm yết cho kỳ hạn tại ngân hàng là 4,8%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm ở khối ngân hàng thương mại còn tăng mạnh mẽ hơn. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động tăng thêm từ 0,1 – 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong 2 tháng trở lại đây. Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng áp dụng mức tăng từ 0,1-0,2% ở đa số các kỳ hạn ngay trong đầu tháng 12. Riêng kỳ hạn tiết kiệm12 tháng, ngân hàng VietBank đã áp dụng mức tăng lãi suất cao nhất lên đến 0,3 %.

Đặc biệt, mức tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất 0,8% đang được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) áp dụng với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức trực tuyến với số tiền gửi từ 50 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.

Không chỉ tăng lãi suất tiết kiệm, các ngân hàng còn không ngừng tung chương trình ưu đãi và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến vì sự tiện lợi, nhanh chóng và an toàn của khách hàng. Đơn cử, từ nay đến hết 31/12/2021, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) sẽ dành tặng 50.000 đồng cho 2.000 khách hàng đầu tiên mỗi tháng thực hiện gửi tiền tiết kiệm trên ứng dụng ngân hàng với số tiền gửi tối thiểu 50 triệu đồng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Ngoài ra, ngân hàng này cũng cộng lãi suất 0,3% với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng; cộng lãi suất 0,4%/năm với khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng với kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống…

Hay tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến chỉ từ 5 triệu đồng cũng sẽ được hưởng lãi suất cộng thêm đến 0,3% so với quầy và được tặng điểm thưởng tùy theo số tiền và kỳ hạn gửi tiết kiệm.Với điểm thưởng, khách hàng có thể đổi thành tiền mặt hoặc voucher giảm giá như: nạp tiền điện thoại, ăn uống, mua sắm…

Việc các ngân hàng tăng lãi suất giúp kênh đầu tư tiết kiệm trở nên hấp dẫn sau thời gian dài duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, nếu lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3- 4%, thì với mặt bằng lãi suất hiện nay, người gửi tiền vẫn có thể được được hưởng lãi suất thực dương.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm có tín hiệu nhích tăng là điều hoàn toàn phù hợp. Bởi trước áp lực lạm phát, sức hấp dẫn của các kênh đầu tư khác và nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dịp cận Tết, các ngân hàng sẽ không nằm ngoài xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm để tăng sức cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp 

Thực tế, trong những tháng qua, nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã tăng mạnh sau khi các biện pháp giãn cách phòng chống dịch COVID-19 được nới lỏng.

Anh Nguyễn Gia Tú, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất thiết bị học tập cho biết, các đơn hàng bị tạm hoãn do giãn cách xã hội đang được doanh nghiệp nỗ lực hoàn thiện trong thời gian này. Đây cũng là lúc doanh nghiệp cần vốn nhất để nhập các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất cũng như trả lương cho nhân công.

Cùng chung nhận định này, đại diện một doanh nghiệp cho biết, nhu cầu vốn lưu động tối thiểu là cần thiết để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được tiến hành bình thường, liên tục. Trong giai đoạn khó khăn, bằng nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực, ngân hàng vẫn luôn là địa chỉ tin cậy của doanh nghiệp mỗi khi cần bổ sung nhanh nguồn vốn cho các dự án và kế hoạch có tiềm năng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, đến cuối tháng 11, dư nợ tăng trên 10%, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%.

Bên cạnh đó, NHNN đã duy trì thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng để hỗ trợ cho tổ chức tín dụng khi cần vốn. Đồng thời, NHNN cũng sẵn sàng phát đi tín hiệu có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong tháng 12/2021.

Thực tế, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế đã tăng mạnh khi không ít các ngân hàng gần cạn hạn mức tăng trưởng tín dụng được NHNN cấp. Để kịp thời bổ sung thêm nguồn lực cho ngân hàng đẩy mạnh cho vay, NHNN đã chính thức nới room cho 11 ngân hàng thương mại. Trong đó, 4 ngân hàng được nâng hạn mức tín dụng lên trên 20% là TPBank (23,4%), Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%).

Nguồn: Hương Giang – Thời báo ngân hàng

Share this post