Kinh tế quý I: Sụt giảm mạnh nhưng vẫn đáng khích lệ

Kinh tế quý I: Sụt giảm mạnh nhưng vẫn đáng khích lệ

Không nằm ngoài dự đoán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, là mức tăng thấp kỷ lục so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 10 năm vừa qua.

3 động cơ chính đều sụt giảm mạnh

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm cuối tuần cho thấy, 3 trụ cột sản xuất quan trọng của nền kinh tế đều chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Theo đó, công nghiệp chế biến chế tạo dù tiếp tục đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I, song mức tăng chỉ đạt 7,12%, thấp nhất giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó là ngành khai khoáng giảm 3,18% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh. Ngành xây dựng tăng 4,37%, chỉ cao hơn mức tăng của quý I năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 10 năm qua. Do các lĩnh vực chính đều quay đầu giảm vì chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nên toàn bộ khu vực công nghiệp và xây dựng quý I/2020 chỉ đạt mức tăng trưởng 5,15%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8,63% của cùng kỳ năm trước, song vẫn đóng góp tới 58,4% vào mức tăng trưởng chung.

Tương tự khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,27%, bằng một nửa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 6,5%, đóng góp 41,4% vào mức tăng trưởng chung. Đặc biệt khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng rất thấp có 0,08% nên chỉ đóng góp 0,2 điểm % trong tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại, dịch vụ trong 3 tháng đầu năm 2020 diễn ra kém sôi động. Người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình. Số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%.

Đặc biệt dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động của khu vực doanh nghiệp. Tính chung 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4,4% về số lượng, giảm 6,4% về vốn đăng ký và giảm 23,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên dịch Covid-19 đã góp phần kéo giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.

Điểm sáng hiếm hoi duy trì động lực

Mặc dù khó khăn bủa vây, song vẫn có một số ngành công nghiệp mũi nhọn duy trì mức tăng trưởng tốt và “cứu nguy” cho cả nền kinh tế. Ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho biết, điển hình là ngành sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý I tăng 28,3%. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, sản phẩm quang học cũng đạt mức tăng khá, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.

“Lúc đầu chúng ta nghĩ ngành này sẽ gặp khó khăn, sản xuất sụt giảm do ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu, nhưng thực tế là thị trường tăng trưởng tốt nhờ quý I năm nay Samsung cho ra đời dòng điện thoại di động thế hệ mới. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam, nên các nhà sản xuất trên thế giới cũng chuyển sang nhập khẩu linh kiện điện tử từ Việt Nam”, ông Thuý cho hay.

Nhờ một số lĩnh vực sản xuất chủ lực vẫn duy trì được đà tăng trưởng và xuất khẩu, nên cán cân thương mại quý I năm nay ước tính vẫn thặng dư tới 2,8 tỷ USD.

Một điểm sáng nữa là mặc dù vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 đạt mức tăng 2,2%, thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, trong đó riêng khu vực FDI giảm 5,4%; tuy nhiên, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2020 đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm, mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng cục Thống kê đánh giá, những kết quả trên đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng; giá dầu thô giảm mạnh; chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn; đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng… Vì vậy, con số tăng trưởng 3,82% của quý I là rất đáng khích lệ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, ngay sau khi có kết quả tăng trưởng kinh tế quý I, cơ quan thống kê đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thứ nhất, dự báo dịch chỉ kéo dài đến hết quý II, sau đó mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Với kịch bản này, tốc độ tăng trưởng sẽ đạt khoảng trên 5%. Kịch bản thứ hai, dịch kéo dài sang quý III, khi đó tăng trưởng cả năm vẫn ở mức trên 5% nhưng thấp hơn quý II.

Đối với kịch bản mục tiêu tăng trưởng 6,8% đặt ra từ đầu năm, Tổng cục Thống kê đánh giá là rất khó đạt được. Bởi theo ông Lâm, dự báo các nền kinh tế lớn tăng trưởng vô cùng chật vật; trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, các năm gần đây đều trên 200%, riêng quý I/2020 là 242%. “Chúng ta phụ thuộc nhiều vào bên ngoài mà các đối tác lớn của chúng ta đều đóng cửa biên giới, đóng cửa thương mại, ưu tiên phòng chống dịch bệnh, thì như vậy kịch bản 6,8% là rất khó đạt được”, ông Lâm đặt vấn đề.

Ngọc Khanh – Thời báo Ngân Hàng

Share this post