NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình: Định hướng hoạt động QTDND trong chiến lược phát triển
Những trợ lực của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã giúp các QTDND trên địa bàn hoàn thành xây dựng phương án đúng thời hạn kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu và giải pháp trong Đề án. Đây cũng là tiền đề cho việc triển khai Đề án những tháng ngày tiếp theo được thuận lợi.
“Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao thậm chí là cầm tay chỉ việc của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, đến thời điểm hiện nay, các QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã nghiêm túc triển khai thực hiện, hoàn thành các nhóm nhiệm vụ nêu tại Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án), đảm bảo theo đúng lộ trình, nhiều QTDND đã hoàn thành được nhiệm vụ theo Đề án đề ra” – Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, bà Phan Thị Tuyết Trinh cho biết.
Bước chuyển lớn trong chất lượng hoạt động
Nhìn lại từ những ngày đầu triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg và Đề án, bà Trinh cho biết NHNN tỉnh đã chủ động và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện nội dung Chỉ thị 06 và Đề án cho các QTDND trên địa bàn, như thông qua cơ quan truyền thông tỉnh, hội nghị ở quy mô cấp tỉnh với sự tham gia của lãnh đạo UBND cùng các đơn vị liên quan đến hoạt động của hệ thống QTDND.
Đặc biệt với Phương án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2030, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã có hướng dẫn mẫu để các QTDND triển khai thực hiện xây dựng chi tiết theo Đề án và chỉ đạo từng QTDND triển khai thực hiện. Định kỳ hàng quý, NHNN Chi nhánh tỉnh tiến hành rà soát lại các chức danh quản trị, điều hành, kiểm soát của QTDND nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực theo quy định của pháp luật. Kết quả rà soát có lập báo cáo tổng hợp, có biện pháp xử lý thích hợp đối với từng trường hợp chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, NHNN tỉnh “Tăng cường thanh tra, giám sát đối với các QTDND; thí điểm thực hiện thanh tra chéo đối với QTDND”. Từ năm 2019 đến nay, Thanh tra, giám sát Chi nhánh đã thực hiện tổng số 42 cuộc thanh tra và một số cuộc kiểm tra đột xuất đối với các QTDND; nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra đều bao hàm các nội dung liên quan đến công tác an ninh, an toàn hoạt động, củng cố vững chắc QTDND theo Đề án. Hoàn thành việc phối hợp với NHNN Chi nhánh thành phố Hà Nội thực hiện thanh tra chéo đối với 2 QTDND. Định kỳ NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đều có ban hành văn bản chấn chỉnh, yêu cầu các QTDND nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấm dứt để xảy ra các sai phạm trong hoạt động.
Những trợ lực của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã giúp các QTDND trên địa bàn hoàn thành xây dựng phương án đúng thời hạn kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu và giải pháp trong Đề án. Đây cũng là tiền đề cho việc triển khai Đề án những tháng ngày tiếp theo được thuận lợi. Đến nay các QTDND đang từng bước thực hiện chuyển dịch hoạt động theo đúng nguyên tắc hỗ trợ vốn và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho các thành viên. Việc thu hút, kết nạp thành viên mới tham gia QTDND được các quỹ thẩm định, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo nâng cao chất lượng thành viên, tuân thủ pháp luật. Các QTDND có địa bàn hoạt động liên xã đã thực hiện xây dựng Phương án chuyển tiếp, được NHNN Chi nhánh tỉnh phê duyệt, đang thực hiện các mục tiêu, lộ trình nêu tại các Phương án chuyển tiếp về địa bàn hoạt động theo quy định tại Thông tư số 04, và Thông tư số 21 của NHNN Việt Nam.
Nhiều con số định lượng mới đã cho thấy hiệu quả của việc triển khai thực hiện Đề án. Đến nay, tổng số vốn điều lệ của các QTDND trên địa bàn là 291 tỷ đồng, trong đó: 41 quỹ có vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng, 26 quỹ có vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng, 14 quỹ có vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng, 4 quỹ có vốn điều lệ từ trên 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Như vậy, với lộ trình đề ra không còn QTDND có mức vốn điều lệ dưới 500 triệu đồng, các QTDND tỉnh Thái Bình luôn luôn cao hơn mức yêu cầu của Đề án.
Hầu hết các QTDND đã duy trì đủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định tại Thông tư số 32/2015/TT-NHNN của NHNN Việt Nam. Các chức danh Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Trưởng BKS đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Thông tư 04; hiện chỉ còn một số quỹ chưa hội đủ tiêu chuẩn về bằng cấp theo quy định tại Thông tư 21, đang thực hiện phương án xử lý chuyển tiếp. Hiện cũng chưa có QTDND nào phải áp dụng hình thức bán nợ xấu cho VAMC và xử lý tài sản bảo đảm rút gọn theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. 100% QTDND đã lắp đặt camera giám sát an ninh, an toàn; 100% QTDND đã thực hiện các nghiệp vụ trên hệ thống mạng, phần mềm. Hiệu quả hoạt động của các QTDND được nâng lên rõ rệt. Năm 2019 có 35 quỹ xếp hạng A, 46 quỹ xếp hạng B.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền
Theo tính toán của NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, đến 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động tiền gửi từ thành viên và dân cư của 85 QTDND trên địa bàn tỉnh ước đạt 10.180 tỷ đồng, tăng 20% so với 31/12/2019. Hoạt động của hệ thống QTDND đã mở rộng quy mô ra 149.632 thành viên trên địa bàn hành chính 147 xã/phường/thị trấn. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 8.035 tỷ đồng, tăng 6% so với 31/12/2019. Tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chỉ chiếm 0,62%. Tổng số vốn điều lệ của các QTDND là 295 tỷ đồng (bình quân 3,5 tỷ đồng/quỹ), tăng 9,2% so với 31/12/2019.
Tuy nhiên, tại 5/7 Hội nghị chuyên đề tổ chức ở quy mô cấp huyện với sự tham gia của các cấp ủy và chính quyền địa phương, NHNN tỉnh cùng lãnh đạo địa phương và các QTDND cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề cần phải củng cố, chấn chỉnh trong thời gian tới khi vẫn còn một vài quỹ chưa duy trì đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Một số cán bộ quản lý chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện về bằng cấp đang thực hiện theo lộ trình tại Phương án xử lý theo quy định tại Thông tư 21. Mục tiêu, nhiệm vụ “từ năm 2025-2030, tài chính các QTDND tương xứng với các loại hình TCTD khác và phù hợp với thông lệ quốc tế” khó đạt được theo Đề án, do quy mô hoạt động của các QTDND nhỏ bé, đang thực hiện các giải pháp nhằm đưa QTDND hoạt động theo đúng bản chất loại hình TCTD hợp tác xã là phục vụ thành viên và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Vì vậy, nhằm góp phần thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020; đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động QTDND; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 06 và Đề án đề ra, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ liên quan đến công tác lãnh đạo, quản lý hệ thống QTDND trên địa bàn. Bà Trinh nhấn mạnh, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các QTDND thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Thống đốc NHNN về thực hiện các giải pháp hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Chi nhánh cũng sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả; thường xuyên rà soát, kiểm điểm, đánh giá kết quả những công việc đã làm được, đang làm, chưa làm được trong nhóm nhiệm vụ của QTDND nêu tại phương án cụ thể của QTDND; Chỉ thị số 06/CT-TTg và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tại các hội nghị chuyên đề, các ý kiến đều đồng thuận từ khi tỉnh Thái Bình thí điểm thành lập QTDND, triển khai thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị đến nay, các QTDND luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp; sự chỉ đạo, quản lý có hiệu quả của chính quyền, các ngành các địa phương, đặc biệt sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg. Tuy nhiên, NHNN tỉnh mong muốn phối hợp sát sao hơn nữa với chính quyền các cấp trong quản lý và giám sát hệ thống QTDND đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn. Cụ thể hơn, NHNN Chi nhánh đề nghị chính quyền địa phương xử lý các Báo cáo định kỳ do các QTDND gửi đến…
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình Phan Thị Tuyết Trinh đề xuất cần đưa kết quả hoạt động, định hướng phát triển QTDND vào Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện/thành phố. Đồng thời, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các QTDND trên địa bàn huyện/thành phố. Các cấp chính quyền các xã, phường, thị trấn có QTDND hoạt động thường xuyên phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh trong công tác quản lý hoạt động QTDND. Đồng thời cần tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ, nhân sự làm việc tại QTDND, nhất là cán bộ chủ chốt của các QTDND; ngăn ngừa các vi phạm, rủi ro đạo đức.
Các QTDND cũng đề nghị Chủ tịch UBND các huyện/thành phố chỉ đạo, thực hiện đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân địa phương để QTDND mở rộng thêm cơ hội cho vay thành viên phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, dịch vụ và đời sống. Bên cạnh đó sớm có biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai trụ sở của QTDND đang tồn tại từ những năm thí điểm thành lập đến nay, qua đó giúp cho các QTDND có điều kiện hoạt động được ổn định, an toàn và hiệu quả hơn.
Nguồn: Nhất Thanh – T. Bình – Thời báo ngân hàng