Ngân hàng Việt tích cực ứng dụng công nghệ trong quản trị

Ngân hàng Việt tích cực ứng dụng công nghệ trong quản trị

Theo nhận định của các chuyên gia, với xu hướng công nghệ mới đang tăng trưởng nhanh và dự đoán sẽ trở thành hình thức giao dịch phổ biến trong thời gian tới, cùng với bước phát triển vượt bậc của thanh toán điện tử, hệ thống ngân hàng Việt đang tích cực ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản trị của mình.

Sáng 21/1, tại Hà Nội, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Quản trị thông minh trong môi trường phức hợp toàn cầu: Lý luận và thực tiễn”.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn của quản trị thông minh nhằm giúp các doanh nghiệp có thể làm chủ sự phức hợp bằng cách chuyển đổi mô hình quản trị truyền thống sang mô hình quản trị hiện đại, dựa trên các công cụ thông minh.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank phát biểu tại Hội thảo

Các nội dung được thảo luận gồm: Xu hướng chuyển dịch từ quản trị truyền thống sang quản trị hiện đại; Ứng dụng các công cụ thông minh (AI, Big Data, ToT,…) trong quản trị; Quản trị thông minh để tận hưởng cuộc sống; Quản trị bằng sự kết hợp khoa học hệ thống, điều khiển học và mô phỏng sinh học; Tác động của môi trường phức hợp toàn cầu đến hoạt động của các doanh nghiệp/tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số trong từng hoạt động của mình. Chia sẻ về thực tế quản trị tại tập đoàn, ông Hoàng cho biết, việc quản trị theo xu hướng thông minh đã được Đèo Cả áp dụng từ lâu.

Đơn cử như trong việc quản trị nhân lực, do lực lượng có trình độ không đồng đều, chính vì vậy, mỗi vị trí phải có cách quản lý và đào tạo khác nhau. Bên cạnh đó, việc lưu trữ tài liệu, kế toán doanh nghiệp cũng được số hóa.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Đối với quản trị trong lĩnh vực ngân hàng, theo TS. Lưu Thị Minh Ngọc, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Theo kết quả khảo sát toàn cầu về ngân hàng số tiêu dùng năm 2018, việc sử dụng các ngân hàng với công nghệ mới đang tăng trưởng nhanh và dự đoán sẽ trở thành hình thức giao dịch phổ biến trong thời gian tới.

Mặt khác, thanh toán điện tử tại Việt Nam cũng có những bước phát triển vượt bậc khi thanh toán qua các kênh internet và điện thoại di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng giao dịch và giá trị giao dịch. Theo bà Ngọc, chính sự phổ biến của thanh toán điện tử đòi hỏi lĩnh vực tài chính ngân hàng phải thay đổi để thích nghi.

Trong đó ngân hàng lõi được xem là hạt nhân toàn bộ hệ thống thông tin của ngân hàng. Hệ thống ngân hàng lõi hoạt động không ngừng để cung cấp internet banking, hoạt động giao dịch toàn cầu thông qua ATM, internet, điện thoại…

“Công nghệ ngân hàng lõi trong hoạt động giúp giảm bớt các thao tác thủ công, tránh nhầm lẫn, giảm thời gian làm việc và đáp ứng xu hướng ứng dụng công nghệ trong hoạt động, tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank, công nghệ đối với quản trị trong ngân hàng đang ngày càng phổ biến và được các ngân hàng áp dụng. Đơn cử như Blockchain, AI… là những công nghệ đang được sử dụng.

Nhận định về trình độ áp dụng công nghệ của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, ông Quân cho biết, nếu chia quá trình trưởng thành số hóa là 5 phần thì các ngân hàng Việt đang ở bước thứ 3, tức là các mục tiêu kinh doanh – công nghệ thông tin được điều chỉnh ở cấp độ toàn hàng xung quanh việc tạo ra các sản phẩm và trải nghiệm số hóa nhưng chưa tập trung vào tiềm năng của các sáng kiến số hóa.

Với TPBank, ông Quân cho biết hiện đang thực hiện các phương thức quản lý kinh doanh – công nghệ thông tin tích hợp, mang lại trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ được số hóa trên cơ sở liên tục.

Có thể kể một số ví dụ về việc triển khai số hóa tại các ngân hàng như Livebank – dịch vụ ngân hàng tự động từ TPBank, Trung tâm ngân hàng số BIDV, Timo – ngân hàng số toàn diện hay iPay – ứng dụng mobile banking từ VietinBank…

Trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc TPBank nhận định các ngân hàng sẽ coi trọng các giải pháp cung cấp an ninh mạng toàn diện và tự động hóa các quy trình nhằm đạt được các mục tiêu về tuân thủ và quản trị rủi ro, đồng thời sẽ đổi mới trong tất cả các khía cạnh của dịch vụ ngân hàng bao gồm tài chính, bảo hiểm, đầu tư…

Cùng với đó, nhu cầu đối với các công cụ số hóa dữ liệu của ngân hàng như công cụ phân tích dữ liệu, giải pháp Big data, công nghệ trí tuệ nhân tạo… sẽ ngày càng lớn.

Nguồn: Quỳnh Trang – Thời báo ngân hàng

Share this post