Phải rất nỗ lực mới giữ được lãi suất ổn định

Phải rất nỗ lực mới giữ được lãi suất ổn định

Từ cuối tháng 5/2021, một số ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới với diễn biến trái chiều và phần nhiều là tăng nhẹ từ 0,1-0,3%. Biến động lãi suất tăng trên chỉ mang tính cục bộ hay lan toả thành xu hướng của toàn thị trường. Mặt bằng lãi suất sẽ diễn biến ra sao trong 6 tháng còn lại của năm? Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Ông đánh giá thế nào về động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng?

Qua theo dõi, tôi thấy, các ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây chủ yếu là ngân hàng quy mô nhỏ. Động thái này có thể phản ánh thực tế thanh khoản tại các ngân hàng này không còn dư dả như trước nên họ tăng lãi suất hút dòng tiền từ dân cư hoặc từ kênh đầu tư khác như chứng khoán để cân bằng lại thanh khoản, bổ sung thêm nguồn vốn huy động chuẩn bị nhu cầu vốn cho cuối năm.

Ở một diễn biến liên quan, tôi thấy vừa qua, một số ngân hàng nhất là ngân hàng lớn có những đối sách khác nhau để giải quyết cung cầu thanh khoản như phát hành trái phiếu. Động thái này có thể coi một mũi tên trúng nhiều đích vừa giải quyết bài toán thanh khoản, đảm bảo hệ số an toàn vốn và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Theo ông, lãi suất trong những tháng còn lại của năm sẽ diễn biến ra sao?

Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, có thể lãi suất vẫn giữ được ổn định. Nhưng trong một vài tháng tới, sản xuất kinh doanh hồi phục, cầu tín dụng tăng mạnh trở lại, lãi suất huy động có thể sẽ nhích tăng trong nửa cuối năm nay thu hút nguồn vốn để đáp ứng chu kỳ của nền kinh tế. Yếu tố nữa có thể gây khó cho lãi suất đó là áp lực lạm phát tăng. Nguyên nhân dẫn đến áp lực lạm phát tăng không phải đến từ chính sách tiền tệ mà do chi phí đẩy, giá cả các loại hàng hoá đều tăng mạnh như dầu, thép… Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều đang đau đầu vì chi phí đẩy tăng cao chóng mặt trong thời gian vừa qua. Đó là những yếu tố nằm ngoài kiểm soát của chúng ta.

So với tương quan lạm phát, có thể thấy dư địa giảm lãi suất không còn nữa. Vấn đề đặt ra từ nay đến cuối năm làm sao duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, hoặc nếu có tăng thì trong biên độ cho phép để đạt mục tiêu kép vừa kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có thể thời điểm này đạt được mục tiêu kép khá khó khăn vì hai mục tiêu đối chọi nhau. Chúng ta bắt buộc phải chọn giải pháp ít xấu nhất trong số giải pháp xấu để đạt được mục tiêu này. Giải pháp đó là chấp nhận tăng lãi suất nhưng ở trong vòng kiểm soát.

Nhưng để có được biên độ lãi suất tốt phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Về phía cơ quan điều hành, NHNN bám sát theo dõi tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt như bơm hút tiền nhịp nhàng theo cung – cầu trên thị trường mở không chỉ giúp điều hoà thanh khoản, mà còn kiềm chế lạm phát, tạo mặt bằng lãi suất ổn định hỗ trợ nền kinh tế. Việc xem xét tín hiệu thị trường và chủ động đưa ra những điều chỉnh thay vì chạy theo thị trường, theo tôi sẽ giúp cho cơ quan điều hành đạt mục tiêu đã đặt ra.

Từ phía thị trường, các ngân hàng, nhất là những ngân hàng lớn uy tín, tiềm lực tài chính tốt có giải pháp huy động vốn phù hợp để đáp ứng nhu cầu thanh khoản không chỉ cho mình mà có thể là toàn thị trường.

Vậy, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất tác động lên lãi suất trong giai đoạn tới?

Lãi suất là một hàm đa biến không phải đơn biến. Mỗi hệ số trong biến có ảnh hưởng tuỳ theo mức độ lớn hay nhỏ nên phải tính toán nhiều yếu tố tác động. Từ đó xác định được hệ số nào tác động mạnh lên lãi suất. Xét theo tình hình thực tế hiện nay, theo tôi, thứ tự tác động như sau: lạm phát là yếu tố đầu tiên, kế đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng; tình trạng cung cầu thanh khoản và còn một số yếu tố khác…

Tôi cho rằng, áp lực tăng lãi suất là rất lớn. Vấn đề đặt ra là làm sao trong trường hợp lãi suất tăng thì tăng trong biên độ cho phép không xảy ra đột biến. Bởi nếu tăng đột ngột, doanh nghiệp chịu tác động từ dịch bệnh đã khó lại càng khó, sản xuất kinh doanh đình trệ, ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng chung nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ).

Nguồn: Hà Thành – Thời báo ngân hàng

Share this post