Ngành Ngân hàng Bình Định: Lắng nghe, gỡ khó cho doanh nghiệp
Thời gian qua những nỗ lực của ngành Ngân hàng góp phần để Bình Định, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững.
“Dìu” doanh nghiệp vượt khó
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tại Bình Định, trước tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài và mưa, lũ phát sinh vào thời điểm cuối năm 2020, nền kinh tế – xã hội địa phương cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt, là những khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn… Về phía ngành Ngân hàng, cũng do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, các tháng đầu năm 2020 tổng dư nợ cho vay liên tục giảm, đến cuối tháng 8/2020 tổng dư nợ cho vay chỉ tăng 1,78% so với đầu năm…
Trước tình hình trên, với tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng, ông Nguyễn Trà Dương – Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Bình Định cho biết, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành (NHNN – Sở Công thương – Sở Tài chính), đồng thời chủ động có văn bản đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ đó, nêu lên những đề xuất, kiến nghị liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tổ công tác liên ngành cũng đã có nhiều buổi làm việc với 2 hiệp hội lớn của tỉnh (hiệp hội gỗ và lâm sản; hiệp hội khai thác và chế biến đá) và một số doanh nghiệp ngành gỗ, đá, dệt may…
Tại các buổi làm việc, Tổ công tác đã lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp, các NHTM trả lời những vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; đồng thời, NHNN chi nhánh tỉnh chỉ đạo các TCTD xem xét, ấn định thời gian giải quyết triệt để những vướng mắc. Đến nay, 54/54 vướng mắc, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp đã được giải quyết theo quy định và thẩm quyền.
Bên cạnh đó, tại chi nhánh cũng đã thành lập tổ công tác làm việc trực tiếp với một số các NHTM trên địa bàn để nắm bắt tình hình, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN; cử thành viên tham gia cùng đoàn liên ngành với Cục Thuế tỉnh. Tạo nhiều “kênh” để lắng nghe doanh nghiệp và cá nhân phản ánh, NHNN chi nhánh Bình Định còn lập đường dây “nóng” và thành lập bộ phận thường trực tại NHNN Chi nhánh tỉnh để tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Về phía các TCTD trên địa bàn cũng đã chủ động thông báo (qua điện thoại, văn bản, email…) đến từng doanh nghiệp có quan hệ tín dụng về các chính sách theo Thông tư 01, rà soát mức độ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như thực hiện các thủ tục để được hưởng các chính sách về cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi… Đồng thời, triển khai các gói sản phẩm tín dụng ưu đãi. Các chi nhánh NHTM trên địa bàn cũng đã rà soát, cắt giảm, tiết kiệm chi phí để có nguồn cho vay khách hàng với lãi suất hợp lý mà vẫn đảm bảo hoạt động có hiệu quả…
Theo đại diện VietinBank Bình Định, ngay từ đầu mùa dịch sau khi có doanh nghiệp bị thiệt hại, chi nhánh đã kịp thời điều chỉnh hạ lãi suất 0,1% cho các đơn vị có quan hệ tín dụng với ngân hàng; ưu tiên giải ngân các khoản vay để doanh nghiệp xoay vòng vốn, tiếp tục sản xuất; cung cấp tiện ích, các chương trình để tạo điều kiện cho đơn vị. Ông Lê Minh Thiện – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) chia sẻ, các doanh nghiệp thuộc FPA có vay của ngân hàng đều đã nhận được những điều chỉnh giảm lãi suất từ các NHTMCP. Khảo sát tại 29 doanh nghiệp thành viên của FPA Bình Định cho thấy, tổng dư nợ vay của nhóm này là 3.258 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đều có chung kiến nghị được giảm lãi suất vay nhiều hơn và cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay từ 6 – 12 tháng…
Với những nỗ lực trong thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tại Bình Định kết quả thực hiện hỗ trợ cho khách hàng của các TCTD trên địa bàn đến ngày 31/12/2020, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 433 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại là 1.417 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi cho 15 khách hàng, số lãi được miễn, giảm là 401 triệu đồng. Cho vay mới từ ngày 23/1/2020 với 6.592 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/12/2020 là 23.392 tỷ đồng. Bên cạnh, các TCTD còn giảm phí một số dịch vụ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Gắn tăng trưởng với kiểm soát nợ xấu
Có thể nói, trong thời gian qua những nỗ lực của ngành Ngân hàng góp phần để Bình Định, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững.
Năm 2020, Bình Định thực hiện tốt mục tiêu “kép”, hoàn thành phần lớn các mục tiêu đã đề ra. Dù chịu tác động tiêu cực do Covid-19 song Bình Định vẫn có nhiều “điểm sáng” trong phát triển kinh tế. Bình Định là địa phương có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GRDP), cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Mỹ – Cục trưởng Cục Thống kê Bình Định, năm 2020 GRDP của tỉnh đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng 3,61% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng cao hơn tốc độ tăng GRDP của cả nước năm 2020, và cao nhất trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 13.700 tỷ đồng, tăng 3,18%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt trên 14.300 tỷ đồng, tăng trưởng 8,86%, khu vực dịch vụ đạt trên 19.400 tỷ đồng, tăng 0,53%…
Đặc biệt, trong năm 2020, với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, song đến nay với những tiếp sức từ ngành Ngân hàng nhiều doanh nghiệp đã phục hồi, hoạt động trở lại và đăng ký thành lập mới. Cụ thể, đến nay đã có 1.028 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 12.000 lao động…
Đánh giá cao những hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn, ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định đã ghi nhận và biểu dương kết quả ngành Ngân hàng đạt được trong năm 2020. Đồng thời, lưu ý để hoàn thành mục tiêu năm 2021 đã đề ra ngành Ngân hàng trên địa bàn cần tiếp tục phối hợp cùng các ngành hữu quan, tập trung giải quyết khó khăn những vướng mắc trong hoạt động, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định và phát triển kinh tế… Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2021 và bám sát Nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Định về phát triển kinh tế – xã hội địa phương, ngành Ngân hàng Bình Định định hướng hoạt động của năm 2021 với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nguồn vốn huy động tăng từ 10 – 12% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng tín dụng đạt từ 8 – 10% so với cuối năm 2020; đồng thời, kiểm soát nợ xấu dưới 2% trên tổng dư nợ…
Để đạt được những mục tiêu trên, cũng theo ông Nguyễn Trà Dương, NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương cũng như đôn đốc, triển khai kịp thời đến các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn theo đúng chức năng tham mưu. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Về phía các TCTD trên địa bàn tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động để có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các khoản cho vay cũ và các khoản cho vay trung, dài hạn. Tăng cường xử lý nợ xấu, áp dụng triệt để các giải pháp xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14; thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, bền vững chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, ảnh hưởng bởi thiên tai… Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn.
Nguồn: Hoàng Lượng – Thời báo ngân hàng