Bước chuyển mạnh mẽ của ngân hàng số trong đại dịch
Dịch COVID-19 bùng phát khiến không ít ngân hàng buộc phải đóng cửa nhiều phòng giao dịch. Tuy nhiên, nhờ số hóa ngân hàng, các nhà băng vẫn “bứt phá” mang đến nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Liên tục đổi mới, sáng tạo
Theo ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng World Bank (World Bank), việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng để có hiệu suất cao hơn thông qua chuyển đổi số là con đường mà Việt Nam đã khởi động và đã được tăng tốc bởi cú sốc COVID-19. Đây là một trong những điểm sáng của cuộc khủng hoảng này khi thương mại và dịch vụ đã ngày càng số hóa để ứng phó với các chính sách giãn cách xã hội.
Thực tế cũng cho thấy những ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ đều có kết quả kinh doanh rất khả quan. Đặc biệt, phần lớn thời gian trong nửa đầu năm nay bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, nhưng các ngân hàng vẫn thu hút lượng lớn khách hàng mới nhờ công nghệ định danh khách hàng điện tử (eKYC).
Ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, ngân hàng cảm nhận sâu sắc ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong bối cảnh phải đóng cửa hơn 100 phòng giao dịch (2/3 phòng giao dịch trên địa bàn) trong thời gian TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách.
Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi số, ngân hàng có số lượng giao dịch tăng gấp đôi trong 8 tháng đầu năm 2021 và 10.000 tài khoản mới mỗi ngày mở qua eKYC. Nhiều phòng giao dịch phải đóng cửa nhưng việc rút tiền vay, trả nợ vẫn được duy trì thông qua hệ thống 400 ATM và 50 CDM.
Cũng tiên phong trong chuyển đối số, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã bứt phá hơn nữa trong mùa dịch. Việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới khách hàng của ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều trong đợt dịch này, số lượng thanh toán không tiền mặt trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, ngân hàng này vừa giành được giải thưởng “Ứng dụng ngân hàng số xuất sắc nhất Việt Nam 2021” tại sự kiện Global Brands Awards.
Ngoài ra, chuyển đổi số trong thời COVID-19 cũng tạo ra áp lực về sự khác biệt giữa các nhà băng. Vì vậy, các ngân hàng đã không ngừng tạo ra những dịch vụ ngân hàng độc đáo tới khách hàng. Đơn cử tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – nơi áp dụng kiến trúc hệ sinh thái số chia làm 3 lớp mang nét riêng là dịch vụ ngân hàng cơ bản, dịch vụ ngân hàng bổ sung thêm và các dịch vụ đời sống cho khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc phụ trách khối Bán lẻ và Trung tâm Ngân hàng số BIDV cho biết, trong quá trình chuyển đổi số, ngân hàng đã lựa chọn tham gia vào hệ sinh thái của các đối tác và cộng hưởng với đối tác để tạo giá trị tốt nhất cho hai bên, đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Bên cạnh việc tham gia vào hệ sinh thái của đối tác, kiến tạo vào hệ sinh thái đó với những nét riêng của BIDV, từ đó tạo ra sự khác biệt cho ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng còn tăng cường số hoá quy trình vận hành như ứng dụng rô-bốt vào các quy trình chấm công, hỗ trợ xử lý khiếu nại, duyệt lệnh tự động… Đồng thời, ngân hàng cũng áp dụng các phương thức làm việc mới với sự hỗ trợ của các công cụ quản lý giúp tăng khả năng ứng biến trong các tình huống làm việc kết hợp nhiều bộ phận, làm việc từ xa (mô hình agile, hệ thống Jira, Confluence….).
Tăng tiện ích hỗ trợ khách hàng
Trong đợt cao điểm giãn cách phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, các chuyên gia đánh giá, ngân hàng số giúp đưa các chương trình hỗ trợ bằng nhiều phương thức, tên gọi, lợi ích khác nhau đến với khách hàng. Mặt khác, số hóa cũng giúp ngân hàng tiếp tục chuyển động cùng nhịp chuyển đổi số của của nền kinh tế, giữ được tăng trưởng kinh doanh tích cực ngay trong đại dịch.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) triển khai chương trình ưu đãi cho khách mở tài khoản trực tuyến. Theo đó, khách hàng dễ dàng mở cùng lúc tài khoản, thẻ thanh toán quốc tế trực tuyến miễn phí nhờ tính năng định danh eKYC, nhận quà tặng tới 250.000 đồng, hoàn tiền không giới hạn 1% cùng nhiều ưu đãi khác.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cho biết đang triển khai hàng loạt dịch vụ số nhằm hỗ trợ khách hàng có thể giao dịch thông suốt trong mùa dịch, tiết kiệm được chi phí. Khách hàng sẽ được miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống không giới hạn, chuyển tiền nhanh tài khoản và số thẻ miễn phí. Đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng miễn nhiều loại phí giao dịch trực tuyến như: phí quản lý tài khoản thanh toán, phí thường niên eBanking, phí xác thực giao dịch qua SMS và phí chuyển khoản nội địa qua eBanking. Ngoài ra, ngân hàng còn tiên phong triển khai dịch vụ chuyển chứng từ trực tuyến.
Nhận diện được hướng đi, các nhà băng tập trung đầu tư công nghệ, số hóa các nghiệp vụ lõi, thay đổi hệ thống quản lý và dịch vụ. Nhờ đó, quy trình vận hành, xử lý thông tin của ngân hàng trở nên nhanh chóng, góp phần hỗ trợ kịp thời cho khách hàng trong mùa dịch.
Bởi, theo ghi nhận, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, ngân hàng muốn tiếp cận khách hàng để thẩm định hồ sơ để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gặp nhiều trở ngại. Điều này, ảnh hưởng đến uy tín giao dịch của khách hàng khi thể hiện thông tin trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) và chất lượng nợ của tổ chức tín dụng.
Để hỗ trợ khách hàng, các nhà băng đã linh hoạt vận dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để gấp rút thực hiện chính sách hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chủ động hướng dẫn các chi nhánh thực hiện thu thập giấy tờ thủ tục bằng các phương tiện điện tử như tin nhắn, fax, zalo, viber… để thực hiện cơ cấu nợ. Đồng thời, chủ động báo cáo cơ quan thanh tra giám sát về những trường hợp khách hàng đang ở khu vực giãn cách xã hội và chỉ đạo không thu lãi quá hạn trong thời gian phong tỏa, cách ly.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát trong “Báo cáo Sức khỏe ngành Tài chính và Ngân hàng khu vực châu Á -Thái Bình Dương”được Backbase công bố, các ngân hàng Việt Nam và khách hàng của họ mới chỉ đang ở bước đầu trên hành trình số hóa. Khi người Việt càng nắm bắt nhiều thông tin hơn và có quyền kiểm soát để đưa ra những lựa chọn tài chính sáng suốt hơn, họ sẽ càng tin tưởng vào các tổ chức trao cho họ cơ hội này. Công nghệ hiện nay đã cho phép chúng ta hiện thực hóa điều đó. Xu hướng này đang diễn ra trên toàn cầu và sẽ có hiệu quả khi áp dụng ở Việt Nam. Đây là chất xúc tác để ngân hàng số của Việt Nam thật sự khởi sắc.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Nguồn: Ái Nhiên – Thừi báo ngân hàng