Để Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò hỗ trợ hoạt động của QTDND
Sáng 13/7, Viện Chiến lược ngân hàng kết hợp với Nhóm nghiên cứu tổ chức buổi Hội thảo giới thiệu kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong hỗ trợ phát triển bền vững hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ở Việt Nam đến năm 2025”, do TS. Nguyễn Đình Lưu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài.
Góp phần duy trì ổn định, an toàn hệ thống QTDND
Hệ thống QTDND được xem là một kênh dẫn vốn quan trọng đến với nông dân ở khu vực nông thôn và người dân nghèo ở thành thị, đóng góp quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, hạn chế nạn tín dụng đen.
Phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống QTDND là một trong những mục tiêu quan trọng của Nhà nước, điều này cũng được thể hiện qua Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ) và trong “Đề án Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc NHNN).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, bảo hiểm tiền gửi được coi là công cụ hữu hiệu của NHNN đảm bảo sự ổn định và hoạt động an toàn, lành mạnh của TCTD, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Theo đó, đề tài sẽ chỉ ra vai trò của bảo hiểm tiền gửi trong sự phát triển của QTDND về một số khía cạnh như quá trình đảm bảo an toàn hoạt động; quá trình tái cơ cấu, xử lý quỹ tín dụng yếu kém; các hoạt động nghiệp vụ như giám sát, kiểm tra, hỗ trợ tài chính, chi trả bảo hiểm tiền gửi… Từ đó, đề ra những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi với QTDND.
“Thành công lớn nhất của đề tài là đưa ra những gợi ý thiết thực cho quá trình sửa đổi, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật của NHNN, có tác dụng hỗ trợ công tác chỉnh sửa Luật Bảo hiểm Tiền gửi, Luật các TCTD…”, bà Hiền khẳng định.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Đình Lưu thông tin, kết quả nghiên cứu cho thấy, bảo hiểm tiền gửi đã góp phần hỗ trợ duy trì tính ổn định và củng cố an toàn hệ thống QTDND, khẳng định vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền thông qua các chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả và các hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi. Từ đó, góp phần cùng với các cơ quan trọng mạng an toàn tài chính quốc gia kiểm soát, phát hiện và cảnh báo rủi ro tốt hơn để duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống QTDND.
Hoạt động quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam.
Ngoài ra, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các nội dung về sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý về cơ chế, chính sách đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND, giúp hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, còn tham gia và hỗ trợ có hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống QTDND.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế có thể nhận diện đó là hạn chế trong vai trò tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt đối với QTDND; vai trò hỗ trợ thực hiện các phương án tái cơ cấu và xử lý QTDND yếu kém; hỗ trợ tăng cường tính liên kết hệ thống; vai trò hỗ trợ tăng cường tính liên kết hệ thống.
Nguyên nhân là do khung pháp lý về chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam còn chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu thống nhất và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Luật pháp hiện hành thiếu những cơ chế, chính sách để xử lý có hiệu quả quá trình cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt; thiếu những quy định pháp lý để tạo điều kiện cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò hỗ trợ các QTDND và hoạt động liên kết hệ thống QTDND…
Hoàn thiện hành lang pháp lý giúp nâng cao vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam
Theo nhóm nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý là giải pháp hàng đầu để nâng cao vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong hỗ trợ hoạt động của các QTDND.
Cụ thể, cần bổ sung quy định cụ thể hoặc giao NHNN quy định cụ thể các khoản tiền gửi được bảo hiểm, các khoản tiền gửi không được bảo hiểm; xem xét lại việc quy định phí bảo hiểm tiền gửi theo xếp hạng từng TCTD hay áp dụng mức phí đồng hạng; bổ sung quy định về các trường hợp đươc miễn nộp phí bảo hiểm tiền gửi, trường hợp được gia hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi; sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm trong việc chủ động tính nộp phí; phạt chậm (thiếu) phí…
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần bổ sung làm rõ và tăng cường vai trò của tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi trong cấp chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi và niêm yết chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đề xuất chỉnh sửa, bổ sung thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền sớm hơn, phù hợp hơn. Quy định trong Luật Bảo hiểm Tiền gửi về việc điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi theo từng thời kỳ phù hợp với các điều kiện kinh tế vĩ mô…
Về cho vay đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt, cần bổ sung quy định trong Luật Bảo hiểm Tiền gửi về việc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được cho vay đặc biệt TCTD được kiểm soát đặc biệt, trong đó có QTDND được kiểm soát đặc biệt để phù hợp với Luật các TCTD (2017).
Về cơ chế hỗ trợ tài chính khi thực hiện quyết định can thiệp sớm, bổ sung quy định Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính được NHNN áp dụng hình thức can thiệp sớm nhưng chưa đặt vào kiểm soát đặc biệt (Luật hiện hành chưa có cơ chế này).
Về tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại QTDND, cần bổ sung quy định theo hướng Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại các QTDND, xử lý các QTDND yếu kém.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất bổ sung cơ chế hỗ trợ tài chính đối với các QTDND được áp dụng hình thức can thiệp sớm hoặc trường hợp QTDND có tầm ảnh hưởng hệ thống không thể giải thể, phá sản nhưng chưa đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Về phía Chính phủ và Quốc hội, nhóm nghiên cứu đề xuất cần sớm đưa vào Chương trình xây dựng văn bản pháp luật các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm Tiền gửi và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật NHNN; chủ trương và đưa vào kế hoạch soạn thảo Dự luật dành riêng cho hệ thống QTDND. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội áp dụng chính sách ưu đãi về thuế cho các QTDND ở mức 50% so với các TCTD khác, tức là đề xuất ở mức 5 – 7,5%. Xem xét một cơ chế để tạo điều kiện cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam sử dụng nguồn tài chính của mình để hỗ trợ công tác đào tạo cho cán bộ QTDND
Đối với NHNN, cần sớm tổ chức tổng kết việc thi hành Luật Bảo hiểm Tiền gửi để làm cơ sở cho việc trình Chính phủ xem xét sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Tiền gửi. Trong thời gian Luật Bảo hiểm Tiền gửi chưa được sửa đổi, bổ sung đề nghị NHNN có các Thông tư hướng dẫn để Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Luật Bảo hiểm Tiền gửi và Luật các TCTD (2017). Ban hành quy chế phối hợp trao đổi công tác, báo cáo về kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra các QTDND giữa NHNN và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Hướng dẫn cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và đào tạo của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đối với QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội QTDND Việt Nam
Đối với Bộ Tài chính, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư số 312/2016/TT-BTC và Thông tư số 20/2020/TT-BTC; sửa đổi, bổ sung cơ chế tài chính đối với Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam phù hợp hơn khi bổ sung, sửa đổi Luật Bảo hiểm Tiền gửi để Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thực hiện tốt vai trò trong tham gia cơ cấu lại các TCTD nói chung và QTDND nói riêng.
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện một QTDND bày tỏ mong muốn hành lang pháp lý sẽ sớm được hoàn thiện, đi vào cuộc sống, nhất là các quy định riêng của các QTDND. Một số quy định về thuế môn bài của QTDND cũng cần được quy định rõ ràng hơn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ QTDND trong đào tạo nghiệp vụ…
Nguồn: Quỳnh Trang – Thời báo ngân hàng