Người kết nối tín dụng chính sách cho người nghèo
Người kết nối tín dụng chính sách cho người nghèo
Nhiều nông dân đã sử dụng vốn vay hiệu quả, lựa chọn xây dựng các mô hình kinh tế điểm và lồng ghép các chương trình vay vốn chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Hòa Cuông là xã miền núi của huyện Trấn Yên (Yên Bái) ít có điều kiện phát triển kinh tế, nhất là những thôn bản vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiếu số sinh sống. Bởi thế, việc chuyển tải những đồng vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua hoạt động của NHCSXH và các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn nhận ủy thác được xem là một trong những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất giúp người dân thoát nghèo nhanh, bền vững.
“Không có đồng vốn chẳng khác nào nông dân có ruộng đất mà không có trâu cày, chẳng có giống cây trồng mà gieo hạt”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Cuông Đỗ Viết Bảo cho biết. Được biết, ông Bảo là người miền biển Nam Định lên vùng núi cao lập nghiệp từ thời trai trẻ, nay tuổi đã ngũ tuần và có thâm niên hơn 10 năm làm công tác phối hợp giữa Hội Nông dân xã với NHCSXH huyện Trấn Yên.
Liên tục những năm qua ông Đỗ Viết Bảo đã tập trung chỉ đạo các chi hội nông dân, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong xã Hòa Cuông làm tốt việc kết nối cho nguồn vốn chính sách đến với các hội viên nông dân nghèo. Định kỳ, hàng quý, hàng năm sau khi nhận kế hoạch phân bổ nguồn vốn, đích thân Chủ tịch Hội Nông dân xã không quản ngại khó khăn đến nhắc nhở các Tổ tiết kiệm và vay vốn họp bàn bình xét cho vay phù hợp với từng gia đình, từng chương trình tín dụng, lựa chọn đúng các hộ có đủ tiêu chuẩn và hướng dẫn họ làm đầy đủ thủ tục vay vốn chính sách. Đến nay, dư nợ của Hội Nông dân xã nhận ủy thác của NHCSXH là 4,78 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ toàn xã.
“Mỗi hộ nông dân nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo đều có hoàn cảnh khác nhau nhưng điều khiến tôi trăn trở nhất là bằng cách nào khi có vốn trong tay, người dân biết được cách thức làm cho đồng vốn sinh lời, giúp cho cây trồng, vật nuôi năng suất, giảm nghèo khó nhanh trong cuộc sống”, ông Bảo tâm sự.
Cùng với đó, để quản lý tốt nguồn vốn vay từ NHCSXH, ông Bảo đã thường xuyên cập nhật thông tin, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách mới có liên quan đến tín dụng chính sách đến từng chi hội, từng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời có quán triệt, đôn đốc mọi hội viên nêu cao ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.
Nhờ nguồn vốn chính sách thông qua Hội Nông dân xã làm nhiệm vụ ủy thác cùng sự kết nối vững vàng, sâu sát chỉ đạo phong trào thi đua giúp nhau làm kinh tế giỏi của ông Đỗ Viết Bảo mà mối quan hệ giữa tổ chức hội với hội viên thêm gắn bó. Nhiều nông dân đã sử dụng vốn vay hiệu quả, lựa chọn xây dựng các mô hình kinh tế điểm và lồng ghép các chương trình vay vốn chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Đáng kể là các Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân quản lý hoạt động ổn định, nề nếp, nhiều hội viên từ cuộc sống nghèo khó đã nỗ lực vươn lên cải thiện cuộc sống như ông Ninh Văn Chung ở thôn 8 vay 30 triệu đồng hộ nghèo đã đầu tư trồng 2ha quế, 6 sào chè sạch; anh Ninh Văn Lan sử dụng vốn hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn nuôi bò sinh sản 5 con và 1ha rừng quế xanh tốt; anh Hồ Văn Thạch ở thôn 3 vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo để nuôi trâu và cây giống, phân bón trồng quế trên đồi.
Có thể nói, vẫn còn rất nhiều mô hình nông dân sản xuất giỏi từ nguồn vốn chính sách cùng những nỗ lực, tận tâm làm nhiệm vụ ủy thác của các hội, đoàn thể, các cán bộ là người kết nối nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước với người nghèo và các đối tượng chính sách như Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Cuông Đỗ Viết Bảo.
( trích thoibaonganhang)