Đi vay, cho vay đều phải giữ chữ tín

Đi vay, cho vay đều phải giữ chữ tín

Cả bên cho vay và đi vay đều phải giữ chữ tín. Bởi hoạt động tín dụng tiêu dùng là trên cơ sở tín nhiệm. Người đi vay không có tài sản đảm bảo, được duyệt vay qua chấm điểm tín dụng. Bên cho vay cũng cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, giữ gìn thương hiệu để củng cố và duy trì tín nhiệm của mình đối với khách hàng.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế, trừ hai năm qua do dịch bệnh. Tính đến hết năm 2021, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 11% so với cuối năm 2020 (năm 2020 tăng 10,15%), chiếm 20,24% tổng dư nợ nền kinh tế. Sự phát triển của công nghệ cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong “bình thường mới” đã khiến hoạt động cho vay tiêu dùng đang chuyển dần từ các phương thức truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ nhằm tăng thị phần trong phân khúc khách hàng vô cùng hấp dẫn này.

Tất cả đơn vị tham gia cho vay tiêu dùng trên thị trường đang ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), rồi giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử… Trong cuộc đua này, các công ty tài chính – từng một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường cho vay tiêu dùng lại đang mất dần vị thế.

Hiện trên thị trường có 16 công ty tài chính với gần 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Nhìn chung, hoạt động của hệ thống công ty tài chính, còn khá nhiều khó khăn. Các món vay của các công ty tài chính cũng như đối tượng khách hàng của các công ty này thường không có tài sản đảm bảo, chỉ số xếp hạng tín dụng lại thấp, việc trả nợ vay phụ thuộc vào thu nhập tương lai của người vay nên chứa đựng nhiều rủi ro nằm ngoài kiểm soát của tổ chức cho vay. Bên cạnh đó, rủi ro còn đến từ thiếu thông tin phân tích khách hàng. Theo thông tin từ CIC, chỉ có 60% dân số trưởng thành của Việt Nam có hồ sơ thông tin tín dụng, đây là con số khá thấp so với các nước phát triển trên thế giới có độ phủ thông tin tín dụng khoảng 90 -100% dân số trưởng thành.

Trong khi đó những năm gần đây, ngân hàng số đã có những bước phát triển vượt bậc; Fintech và những sản phẩm dịch vụ mới của hệ thống tài chính phát triển nhanh chóng khiến cho môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Theo TS. Cấn Văn Lực, sự yêu thích công nghệ của thế hệ trẻ ngày càng tăng cũng đặt ra thách thức đối với các công ty tài chính cần phải tăng cường phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ để thu hút và giữ chân khách hàng. Trong khi đó, năng lực tài chính của các công ty tài chính còn yếu, quy mô vốn nhỏ; tính liên kết, năng lực đổi mới và khả năng sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu kém nên sức cạnh tranh thấp.

Bên cạnh đó, với mạng lưới rộng khắp, thương hiệu đã được khẳng định mấy chục năm các NHTM dễ dàng lấy được lòng tin của khách hàng. Nhiều người khi có nhu cầu vay sẽ nghĩ đến và liên hệ với ngân hàng, mặc dù thủ tục và điều kiện vay vốn của các TCTD phi ngân hàng có thể đơn giản, nhanh chóng hơn; Và phải thừa nhận một thực tế là lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường cao hơn ngân hàng. Chưa kể các công ty tài chính cho vay dễ dãi nhưng không ít trường hợp khách hàng bị đòi nợ “như xã hội đen“ đã khiến người dân có phần e dè hơn. Gần đây sự bùng nổ của những website, ứng dụng cho vay giả mạo, có tên gây hiểu nhầm doanh nghiệp đó là công ty tài chính được cấp phép hoạt động cũng khiến người đi vay cân nhắc hơn giữa vay ngân hàng hay công ty tài chính.

Các chuyên gia nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn, nhất là những tác động từ tích cực từ gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội 2022 – 2023 sẽ khiến hoạt động cho vay tiêu dùng lấy lại đà phát triển. Cùng với đó nhu cầu, định hướng phát triển đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, văn hóa chi tiêu trước trả tiền sau ngày càng phổ biến hơn… cũng là những yếu tố tác động tích cực đến tín dụng tiêu dùng.

Tuy nhiên, các đơn vị cần lưu ý những rủi ro, thách thức trên thị trường cho vay tiêu dùng; quy mô tài chính tiêu dùng còn nhỏ; khung pháp lý ngày càng theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn; áp lực cạnh tranh gia tăng do tác động từ xu hướng bùng nổ các mô hình kinh doanh mới từ Fintech và cho vay ngang hàng – P2P lending…

Và quan trọng nhất, cả bên cho vay và đi vay đều phải giữ chữ tín. Bởi hoạt động tín dụng tiêu dùng là trên cơ sở tín nhiệm. Người đi vay không có tài sản đảm bảo, được duyệt vay qua chấm điểm tín dụng. Bên cho vay cũng cần tuân thủ đúng quy định pháp luật, giữ gìn thương hiệu để củng cố và duy trì tín nhiệm của mình đối với khách hàng.

Nguồn: Phương Anh – Thời báo ngân hàng

Share this post