Cơ chế điều hành tỷ giá mới: NHNN đã tham vấn ý kiến chuyên gia và TCTD
Cơ chế điều hành tỷ giá mới: NHNN đã tham vấn ý kiến chuyên gia và TCTD
Theo các chuyên gia kinh tế, cách thức điều hành tỷ giá mới đã thể hiện được tính linh hoạt có lên, có xuống phản ánh diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong nước và đặc biệt là thị trường quốc tế.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bùi Quốc Dũng, trong những năm trước đây, NHNN đã thực hiện cơ chế điều hành tỷ giá ổn định với cam kết mức tỷ giá biến động trong từng thời kỳ. Quá trình thực hiện cho thấy cơ chế này về cơ bản phù hợp với tình hình thực tế, phát huy hiệu quả tích cực là neo kỳ vọng tỷ giá ổn định, qua đó giúp ổn định tâm lý thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chống đô la hóa và tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần củng cố tiềm lực tài chính và xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015.
Thực tiễn điều hành tỷ giá cho thấy những biến động trên thị trường quốc tế có những tác động đáng kể đến tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Dự kiến năm 2016, thị trường tài chính quốc tế sẽ tiếp tục có những biến động, ảnh hưởng đến thị trường trong nước, như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đồng CNY có thể biến động khó lường.
Trong khi đó, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới (hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được ký kết, kỳ vọng về TPP, việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015). Do đó, tỷ giá cần được điều hành linh hoạt hơn để thích ứng với diễn biến kinh tế trên thị trường trong nước và quốc tế năm 2016 cũng như những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó, ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số loại ngoại tệ khác. Theo đó, thay vì công bố một mức tỷ giá cố định trong thời gian dài như trước đây, từ đầu năm 2016, hàng ngày, NHNN công bố tỷ giá trung tâm làm cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong biên độ quy định.
Tỷ giá trung tâm có thể biến động hàng ngày theo cả hai chiều lên xuống, được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Bên cạnh việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, vào thứ năm hàng tuần (hoặc ngày làm việc liền kề trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ), NHNN công bố tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế trên trang thông tin điện tử của NHNN.
Việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá cũng là bước đi tiếp theo trong lộ trình chống đô la hóa, nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đây là bước đi tiếp sau các biện pháp đồng bộ đã được thực hiện trong thời gian qua như thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng, giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 0% với cả tổ chức kinh tế và khu vực dân cư.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng cách thức điều hành tỷ giá mới, NHNN đã làm việc với các tổ chức tín dụng, tham vấn ý kiến của các chuyên gia kinh tế và đã nhận được sự đánh giá cao vì cách thức điều hành tỷ giá mới đã thể hiện được tính linh hoạt có lên, có xuống phản ánh diễn biến trên thị trường ngoại tệ trong nước và đặc biệt là thị trường quốc tế, vốn tác động khá lớn đến tâm lý dẫn đến những biến động tỷ giá VND/USD trong thời gian gần đây.
Cách thức điều hành tỷ giá mới cũng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các tổ chức tín dụng cũng như các doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính.
(trích cafef)