Đầu năm kể chuyện ngân hàng lãi nghìn tỷ
Đầu năm kể chuyện ngân hàng lãi nghìn tỷ
Lãi khủng nhờ đâu?
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý IV/2015 ngân hàng này đạt 485 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái là 254 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 2.036 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế quý IV/2015 là 375 tỷ đồng, lũy kế cả năm là 1.584 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cho hay, thu nhập lãi thuần tăng 22,8% so với năm 2014 nhờ tăng trưởng tín dụng đạt gần 30%. Đáng chú ý, thu nhập từ hoạt động dịch vụ và phí tăng 11,2% trong năm 2015 lên 1.139 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng tăng 8,0%, đạt 142.240 tỷ đồng trong khi đó dư nợ cho vay khách hàng là 111.626 tỷ đồng, tăng 31.318 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Năm 2015, VietinBank ghi nhận 7.345 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 5.716 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong đó lợi nhuận thuần của cổ đông ngân hàng
là 5.697 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với năm 2014. Hoạt động dịch vụ vẫn mang lại lợi nhuận ổn định cho ngân hàng này với lãi thuần gần 400 tỷ đồng, hoạt động chứng khoán đầu tư lãi 234 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 20 tỷ đồng.
Do lãi lớn, nên VietinBank cũng là một trong những ngân hàng trả lương hậu hĩnh cho nhân viên. Chi phí cho nhân viên ngân hàng này cả năm là 5.492 tỷ đồng, trong đó chi lương và phụ cấp là 4.725 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi tháng VietinBank chi trả cho người lao động của ngân hàng 18,72 triệu đồng/người.
Lũy kế cả năm 2015, BIDV ghi nhận 7.944 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 6.382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 26% và 28% so với năm ngoái. Trong đó, lỗ lũy kế do MHB chuyển giao khi sáp nhập là 552 tỷ đồng, lợi ích của cổ đông thiểu số là 12 tỷ đồng do vậy lợi nhuận còn lại của ngân hàng còn 5.841 tỷ đồng.
Những “con sóng” ngược dòng
Cũng có lãi nghìn tỷ đồng, với lũy kế cả năm 2015 đạt 1.314 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.028 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng trong quý IV, Ngân hàng TMCP Á Châu lại lỗ thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư hơn 993 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 65 tỷ đồng, tính chung cả năm hoạt động này đã khiến ACB thua lỗ 762 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, ACB thua lỗ nặng trong mua bán chứng khoán đầu tư là do phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.363 tỷ đồng trong năm 2015 (rơi chủ yếu vào quý 4), trong khi cùng kỳ phần dự phòng chỉ là 40 tỷ.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng tiếp tục lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý IV và cả năm lỗ 31 tỷ đồng.
Hay như Sacombank bất ngờ thông báo lỗ 583 tỷ đồng trong quý IV/2015 do chi phí trích lập dự phòng rủi ro bất ngờ tăng vọt lên 1.125 tỷ đồng. Đây là ngân hàng thứ hai sau Eximbank công bố lỗ trong hoạt động kinh doanh quý cuối của năm 2015. Tuy vậy, lũy kế cả năm thu nhập lãi thuần vẫn ổn định ở mức 6.278 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2014.
Lãi thuần từ dịch vụ quý IV đạt 288 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và lũy kế cả năm đạt 999 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý IV lỗ 21 tỷ đồng và lỗ từ mua bán chứng khoán đầu tư là 56 tỷ đồng. Nhưng lãi từ hoạt động khác đạt 505 tỷ đồng.
Với Eximbank, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015 cho thấy, Eximbank đã lỗ trước thuế 588 tỷ đồng, sau thuế lỗ 463 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến Eximbank lỗ trong quý này là do ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro lên tới 935 tỷ đồng.
Trích lập dự phòng rủi ro, việc áp dụng Basel II đối với 10 ngân hàng lớn và yêu cầu tăng vốn lên là ba nguyên nhân chính khiến lợi nhuận ngân hàng năm 2016 khó khởi sắc. Mặc dù nhiều ngân hàng đã khoe lãi cao trong năm 2015 nhưng nếu nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy trích lập dự phòng rủi ro đã ăn mòn lợi nhuận nhiều ngân hàng. Eximbank là một điển hình.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành năm 2016.
“Do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm các ngân hàng chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận trong những năm tới. Áp lực này thấp hơn ở nhóm các ngân hàng niêm yết”, BVSC nhận định.
BVSC tính toán trích lập dự phòng năm 2016 được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỷ đồng.
Nguyên nhân khiến việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng lên là do từ khi tiến hành đề án tái cấu trúc hệ thống TCTD, tỷ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu theo báo cáo không thay đổi nhiều.
Theo tính toán của BVSC, nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong những năm gần đây chiếm khoảng 24-27% nợ xấu của toàn hệ thống, nhóm ngân hàng chưa niêm yết chiếm 73-76%.
Ngoài ra, việc chính thức áp dụng Basel II từ tháng 2/2016 sẽ khiến 10 ngân hàng gặp khó trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, điều này sẽ tác động tới lợi nhuận ngân hàng. Cùng với đó, những tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn trong việc cho vay.
Basel II cũng khiến nhiều ngân hàng buộc phải đẩy mạnh tăng vốn cấp 1 và cấp 2. Điều này cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng trong hoạt động kinh doanh.
( trích chatluongvietnam)