Cả người gửi và vay tiền đều “gánh” nợ xấu của ngân hàng?
Cả người gửi và vay tiền đều “gánh” nợ xấu của ngân hàng?
Nhiều chuyên gia đánh giá lãi suất ngân hàng cho vay còn cao, cả người gửi tiền và vay tiền đều phải gánh nợ xấu của ngân hàng
Phân tích về thực chất quá trình xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của nước ta, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cách xử lý nợ xấu như hiện nay chưa đúng bản chất, chỉ mới đặt nợ xấu sang một bên, đặc biệt là hiện tại cả người gửi tiền và người vay tiền đều đang phải gánh nợ xấu của ngân hàng.
Lợi nhuận thô của ngân hàng ngày càng tăng
Chứng minh cho đánh giá này, ông Tú Anh cho biết, thực hiện tái cơ cấu kinh tế từ 2011 đến nay, riêng về lĩnh vực ngân hàng, lãi suất bình quân liên ngân hàng đã ổn định, đẩy lùi nguy cơ khủng hoảng thanh khoản.
Chẳng hạn, lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn 3 tháng đã từ mức rất cao khoảng gần 14% năm 2011 đã giảm về mức dưới 6% từ giữa 2013 đến đầu năm 2015. Cùng với đó, lãi suất huy động trung bình của các ngân hàng thương mại, kỳ hạn 1 tháng, có xu hướng đi xuống rất rõ. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có giảm nhưng vẫn ở mức chênh lệch rất cao so với lãi huy động và tỷ lệ chệnh có xu hướng càng ngày càng tăng.
Theo ông Tú Anh, “nếu lấy lãi suất cho vay trừ đi lãi suất huy động sẽ thấy khoản lợi nhuận thô của ngân hàng càng ngày càng tăng. Điều này cho thấy, quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng hiện vẫn chưa đi đúng bản chất. Chẳng qua mới gạt nợ xấu sang một bên. Do đó, chi phí để bảo vệ việc khắc phục nợ xấu này vẫn phải đè vào ngân hàng và ngân hàng vẫn phải để ra một khoản dự phòng cho việc này. Và chi phí này thì cả người gửi tiền và người vay tiền đều phải gánh chịu. Vì thực tế, người đi vay phải chịu mức lãi suất cao hơn, do đó nhu cầu vay ít hơn. Nhu cầu vay ít hơn thì cầu tiền gửi giảm khiến lãi suất tiền gửi cũng giảm theo”.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Tú Anh, nền tảng đầu tiên của nền kinh tế chính là kinh tế vĩ mô, thì quá trình tái cơ cấu kinh tế cơ bản đã thành công trong ổn định vĩ mô, nhưng dường như các rủi ro về tài khóa, chưa chú trọng đề cập, mới chú trọng ổn định tiền tệ.
Nợ xấu là rủi ro lớn cho kinh tế vĩ mô
Liên quan đến câu chuyện ổn định tiền tệ, TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và Trường QLNN Harvard Kennedy, cho rằng “thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD theo Quyết định 254, hệ thống ngân hàng hoạt động dần trở nên ổn định hơn. Nhưng nguyên nhân là do NHNN đã đảm bảo thanh khoản cho từng ngân hàng yếu kém và cho cả hệ thống, ổn định vĩ mô được tái lập và chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ nếu không muốn nói là nới lỏng. Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém không phải là nguyên nhân làm cho hệ thống ổn định hơn”.
“Về điều hành chính sách tiền tệ, việc tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015, nhưng không đi vào các hoạt động sản xuất là một quan ngại. Trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng dư nợ cho nền kinh tế tăng 12,1%, nhưng phần tín dụng cho công nghiệp chỉ tăng 6,7%, trong khi xây dựng tăng 14,3%, và cho tiêu dùng cá nhân với bất động sản tăng tới 18,7%. Tính tháng 9/2015, so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng cho tiêu dùng cá nhân với bất động sản tăng tới 38%”- TS. Nguyễn Xuân Thành.
Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Xuân Thành, “9 ngân hàng yếu kém được NHNN xác định và công khai nêu tên vào đầu năm 2012, và bị bắt buộc phải tái cơ cấu trong năm 2012. Đến cuối 2013, báo cáo của NHNN cho Quốc hội khẳng định đã tái cơ cấu được 8/9 ngân hàng. Năm 2015, Nhà nước bắt buộc mua 3 ngân hàng với giá 0 đồng, 2 trong số đó là những ngân hàng yếu kém đã được xác định từ đầu.
Xét riêng ngân hàng Xây dựng Việt Nam, mà trước đó là ngân hàng Đại Tín, thì thua lỗ, nợ xấu năm 2015 lớn hơn nhiều lần so với năm 2011. Vậy việc xử lý các ngân hàng yếu kém trong chương trình tái cơ cấu các TCTD cho đến năm 2015 là chưa thực hiện được”.
Bên cạnh đó, theo quan sát của TS. Nguyễn Xuân Thành, đối với các ngân hàng yếu kém, hoạt động sở hữu chéo – đầu tư chéo vượt giới hạn về cấp tín dụng và đầu tư theo quy định, hoạt động thâu tóm vượt giới hạn về sở hữu cổ phần vẫn diễn ra trong thời gian 2011-2014. Chỉ đến năm 2015 mới xuất hiện những chỉ thị mạnh của Ngân hàng Nhà nước trong việc đảm bảo tuân thủ quy định về giới hạn sở hữu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất cao kìm hãm phát triển kinh tế
“Lãi suất là giá vốn, giá vốn quá cao thì người dân sẽ không đi vay hay không muốn đi vay, làm chậm phát triển kinh tế. Hiện tại lãi suất của Việt Nam còn cao. Lãi suất cho vay cao như hiện nay, trừ những công ty, doanh nghiệp mà họ có tỷ lệ sinh lời cao thì chịu nổi, còn những doanh nghiệp nhỏ, với lãi suất trung bình khoảng 10% thì họ bán hàng ra, sau khi trả mọi chi phí cho sản phẩm, nhân công, còn lại không đủ để trả cho ngân hàng chứ khó có lợi. Lãi suất cao khiến rất nhiều doanh nghiệp sống cầm cự vì không muốn đóng cửa, nhưng họ cũng không biết cầm cự được bao nhiêu lâu”.
Về xử lý nợ xấu, “tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về 2,9% vào quý 3/2015 là nhờ mô hình VAMC. Hơn 225 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được chuyển cho VAMC, trong đó mới xử lý được gần 16 nghìn tỷ đồng. Nếu cộng ngược trở lại số nợ xấu đã bán nhưng chưa xử lý được thì tỷ lệ nợ xấu vẫn là 7,6%”- ông Thành phân tích.
Từ thực tế này, ông Thành đánh giá chung “về kết quả tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là về ngắn hạn rủi ro lớn nhất đối với ổn định kinh tế vĩ mô là nợ xấu và ngân hàng yếu kém chưa được xử lý”.
Cũng tiếp cận từ góc độ lợi ích của nền kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh đánh giá: Dù hệ thống ngân hàng ổn định hơn, nhưng lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay vẫn cao (mức trung bình khoảng 8-9%/năm) đối với doanh nghiệp. Điều này làm tắc dòng tín dụng đầu ra, gây kìm hãm nền kinh tế. Thực trạng lãi suất cho vay không giảm được sâu vì bản chất nợ xấu vẫn còn. Cho nên, chênh lệch cao giữa lãi vay và cho vay là để có phần bù dự phòng rủi ro, bù đắp cho xử lý nợ xấu.
Cho nên, trong tương lai, theo ông Tú Anh, cần phải giảm độ chênh giữa lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ cho nền kinh tế.
( trích cafef)