Thanh toán điện tử dịch vụ công không khó

Thanh toán điện tử dịch vụ công không khó

Năm qua NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt các ngân hàng thương mại và các đơn vị trung gian thanh toán triển khai hàng loạt các giải pháp để việc thanh toán trực tuyến của người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn. Đơn cử, miễn thu phí các giao dịch thanh toán trực tuyến của năm 2020, và tiếp tục thực hiện xem xét miễn thu phí trong năm 2021.

Trong cuộc tổng kết một năm vận hành Cổng dịch vụ Công quốc gia trực tuyến do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính đòi hỏi sự thay đổi tư duy, thay đổi cách làm. Đây là một việc rất khó khăn, Chính phủ đã xác định cái gì cần đột phá thì cấp cao nhất phải làm gương trước. Mục đích Chính phủ đề ra không chỉ là tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp người dân mà còn vì mục đích sâu xa hơn là thực hiện minh bạch hóa, công khai hóa hoạt động của Chính phủ trước nhân dân. Thông qua đó, nhận góp ý của doanh nghiệp, nhân dân để xây dựng Chính phủ với tin thần phục vụ. Đây cũng là chỉ số rất quan trọng để cộng đồng quốc tế nhìn vào, đánh giá một đất nước về năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh. Đồng thời, cũng là chỉ tiêu rất quan trọng trong việc đánh giá, xếp hạng Chính phủ điện tử.

“Năm 2020, chúng ta đã hoàn thành xong mục tiêu đưa hơn 30% thủ tục hành chính công lên trực tuyến. Vậy nhiệm vụ trong năm 2021, chúng ta có dám đặt ra mục tiêu đột phá hơn hay không? Nâng lên 100% được hay không? Hay ít nhất là các thủ tục cấp bộ, cấp tỉnh đều sẽ thực hiện trực tuyến. Liệu chúng ta có làm được không? Nếu đặt mục tiêu cao hơn, 100% chẳng hạn thì chúng ta sẽ tạo được động lực cạnh tranh, một không khí đổi mới trong nội bộ từng cơ quan, ban ngành. Tất cả mọi cán bộ, công chức, viên chức phải vận động để cải cách thủ tục hành chính phục vụ nhân dân tốt hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo số liệu của Văn phòng Chính phủ, năm 2020 vận hành Cổng dịch vụ Công quốc gia, đã có 84 bộ, ngành, cơ quan, địa phương tích hợp, đồng bộ trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính với cổng trực tuyến. Trong đó có 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 63/63 địa phương. Có 2.700 thủ tục hành chính đã được tích hợp. 412 nghìn tài khoản cá nhân, doanh nghiệp đăng ký. Hơn 100 triệu lượt truy cập, 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, 719 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến.

Đặc biệt, đã có 54/63 địa phương, 14 bộ, ngành, cơ quan hoàn thành kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến với Cổng dịch vụ Công quốc gia. Tổng số giao dịch qua hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng này có sự tăng trưởng cao, trên 45,7 nghìn giao dịch. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ Công quốc gia là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.

Ông Mai Tiến Dũng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trong hơn một năm Cổng dịch vụ Công quốc gia trực tuyến vận hành đã có 2.700 dịch vụ hành chính công được đưa lên giao dịch trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ đăng nhập còn rất thấp, do cơ quan bộ ngành chưa số hóa hồ sơ, một số bộ ngành, địa phương “còn cát cứ”. Dịch vụ công đưa lên cổng giao dịch trực tuyến bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là hồ sơ dịch vụ công đó đưa lên phải được số hóa mới tạo điều kiện cho người dân giao dịch thuận tiện.

“Chúng ta không hình thức, các địa phương báo cáo dịch vụ các dịch vụ công sẵn sàng được giao dịch trực tuyến 100%, nhưng số hồ sơ mỗi tháng lại không bao nhiêu. Bởi vì có những dịch vụ công đưa lên giao dịch trực tuyến nhưng nhu cầu của người dân lại không có thì ý nghĩa của Cổng dịch vụ Công quốc gia cũng giảm xuống rất nhiều”, ông Mai Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn chưa tốt trong việc thực hiện số hóa dịch vụ hành chính công của các bộ, ngành, địa phương.

Dịch vụ công cấp độ 4 là bao gồm khâu cuối cùng cho phép ngân hàng và các trung gian thanh toán đã kết nối với Cổng dịch vụ Công quốc gia cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho người dân giao dịch trực tuyến với cơ quan Chính phủ. Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, nhiều người nói khó làm thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công trực tuyến, nhưng thực tiễn năm 2020 những ngân hàng và các trung gian thanh toán tham gia thì không khó. Cổng dịch vụ Công quốc gia nhận được sự hợp tác của 8 NHTM (VCB, VietinBank, BIDV, Agribank, SHB, VPBank, TPBank, MB) và 7 công ty trung gian thanh toán (MoMo, VNPay, Napas, Nganluong.vn, Payoo, VietelPay, Zalopay…).

Ông Mai Tiến Dũng cho rằng, Cổng dịch vụ Công quốc gia đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng còn nhiều việc phải làm cần khắc phục. Làm sao duy trì và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng Cổng. Đây là điều cần phải làm tốt hơn trong năm 2021.

Về phía ngành Ngân hàng, có thể khẳng định năm qua NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt các ngân hàng thương mại và các đơn vị trung gian thanh toán triển khai hàng loạt các giải pháp để việc thanh toán trực tuyến của người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn. Đơn cử, miễn thu phí các giao dịch thanh toán trực tuyến của năm 2020, và tiếp tục thực hiện xem xét miễn thu phí trong năm 2021.

Mục tiêu cho năm 2021, Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để số hóa các thủ tục hành chính công diễn ra tăng tốc, nhanh chóng hơn. Ngoài ra, sẽ phải cần Nghị định quy định pháp luật cụ thể hơn về xác thực khách hàng từ xa (eKYC), bảo mật thông tin cá nhân, để hạn chế những rủi ro và tạo sự tin cậy của người dân giao dịch với Chính phủ điện tử.

Nguồn: Trần Duy – Thời báo ngân hàng

Share this post