Chuyển đổi số để ứng phó với “bình thường mới”

Chuyển đổi số để ứng phó với “bình thường mới”

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Song  nếu nhìn ở một khía cạnh khác thì dịch Covid-19 được xem như một đòn bẩy kích thích tiến trình chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, trong đó thói quen giao dịch “offline” sang “online” đã được định hình ngày một rõ rệt hơn.

Thanh toán điện tử bùng nổ

Số liệu cho thấy tới cuối quý I/2021, dù ảnh hưởng bởi dịch nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao. Cụ thể trong quý đầu năm nay giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; tương tự giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% và 103%; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% và 46%.

Cũng trong 3 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 37 triệu món với giá trị là hơn 31 triệu tỷ đồng, tăng 6,32% về số lượng và tăng 22,98% về giá trị giao dịch so với 3 tháng đầu năm 2020. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Napas đạt 482,5 triệu món với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 103,26% và 147,65%.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của TTKDTM đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Chị Thu Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, chị đã thanh toán tiền điện/nước/dịch vụ truyền hình hay mua vé máy bay, vé tàu xe, đặt phòng khách sạn… của gia đình qua ứng dụng mobile banking của ngân hàng. “Tới khi xảy ra dịch, thậm chí tôi đi chợ luôn trên mạng, thanh toán online qua ứng dụng của ngân hàng, hàng hóa được shipper giao tới nhà chứ không cần phải ra chợ mà vẫn đảm bảo tươi ngon, lại không lo dịch bệnh”, chị Hà cho biết.

Quan sát trên thị trường, các ngân hàng đều ngày càng chú trọng nâng cấp và hoàn thiện công nghệ phục vụ cho hạ tầng thanh toán điện tử, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ngân hàng số cũng ra mắt ngày một nhiều hơn, như OCB Omni, LiveBank, TNEX, VCB Digibank… và cùng với đó thì hệ sinh thái xung quanh ngân hàng số cũng được các nhà băng quan tâm phát triển để giá trị mang tới cho khách hàng phong phú hơn, đa dạng hơn.

Không chỉ ngân hàng mà lĩnh vực thanh toán ngày càng thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các TCTD phi ngân hàng, đặc biệt là sự góp mặt của các Fintech. Các chuyên gia cho rằng, đột phá trong lĩnh vực thanh toán sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ hơn nữa khi số lượng công ty Fintech tiếp tục gia tăng, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ và khó lường từ Covid-19.

Tăng tốc số hoá toàn Ngành

Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước tiên là ngành tài chính – ngân hàng.

Thống đốc NHNN mới đây đã ký Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/05/2021 phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch được xây dựng nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ. Song song với đó là phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hoá quy trình, tối ưu hoá hoạt động nghiệp vụ.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại NHNN được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN. Đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số. Kế hoạch cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% TCTD có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại TCTD được xử lý và lưu trữ trên môi trường số…

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 của kế hoạch này sẽ có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của NHNN thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của NHNN và đối với TCTD sẽ có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số…

Theo nhìn nhận của một chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trong toàn Ngành đã thêm một bước nữa trong tiến trình hiện thực hoá những mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. “Không phải đợi tới thời điểm ban hành Kế hoạch, mà thời gian qua đều có thể nhìn thấy rõ ngành Ngân hàng nói chung và hệ thống các NHTM nói riêng đều đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nắm bắt kịp thời những tiến bộ tiên tiến của thế giới, ứng dụng trong hoạt động để đẩy nhanh tiến trình số hoá, gia tăng khả năng thích ứng với trạng thái bình thường mới và phát triển mạnh mẽ hơn sau Covid”, vị này cho biết.

Ông Đỗ Danh Thanh – Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghệ, PwC Việt Nam nhìn nhận, để tồn tại và phát triển trong thời kỳ hậu Covid, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cần phải được tăng tốc và tự điều chỉnh theo hành trình khách hàng. Hay nói cách khác, phải lấy khách hàng làm trọng tâm được thúc đẩy bởi lãnh đạo, nhân viên và các giảp pháp sáng tạo được triển khai theo nhu cầu của khách hàng. Cùng với đó là gia tăng các giá trị đa chức năng trong từng giai đoạn của hành trình khách hàng.y

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Minh Khuê – Thời báo ngân hàng

Share this post