Co-opBank: Trụ đỡ phát triển cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

Co-opBank: Trụ đỡ phát triển cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân

“Trong năm 2021, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) tiếp tục thực hiện tốt vai trò là trụ đỡ phát triển cho hệ thống QTDND”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Co-opBank chiều 10/11/2022.

Gia tăng vị thế ngân hàng của hệ thống

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Co-opBank cho biết, mặc dù quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn, chỉ 3.030 tỷ đồng, năng lực tài chính hạn hẹp, tuy nhiên NHHT đã thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm trong liên kết hệ thống QTDND.

Điều này có thể thấy rõ trong việc Co-opBank luôn đặt công tác điều hòa vốn giữa ngân hàng với QTDND là hoạt động trọng tâm. Đối mặt với áp lực nguồn tiền gửi trong năm tăng cao, thời điểm cao nhất lên đến 41.000 tỷ đồng, doanh số tiền gửi điều hòa về Co-opBank đạt 73.523 tỷ đồng và đến 31/12/2021 tiền gửi điều hòa vẫn tới 35.779 tỷ đồng, nhưng Co-opBank vẫn đặt lợi ích QTDND lên cao nhất với việc một mặt nỗ lực duy trì mức lãi suất nhận gửi vốn điều hòa cao hơn lãi suất huy động tiết kiệm của dân cư, mặt khác ba lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay QTDND.

Bên cạnh đó trong quý 4/2021 Co-opBank đã triển khai chương trình cho vay “Chung tay hỗ trợ thành viên QTDND” với lãi suất thấp nhất chỉ còn 3,5%/năm. Doanh số cho vay theo chương trình này đạt 717 tỷ đồng với 304 QTDND tham gia, góp phần đưa dư nợ cho vay hệ thống QTDND đến 31/12/2021 đạt 3.481 tỷ đồng. Doanh số cho vay QTDND trong năm đạt 18.587 tỷ đồng cũng cho thấy rõ hơn sự hỗ trợ của QTDND trong việc đảm bảo thanh khoản và mở rộng cho vay thành viên.

Vai trò hỗ trợ hệ thống còn thấy rõ qua việc Co-opBank tiếp tục tích cực phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong công tác hỗ trợ các QTDND yếu kém trên địa bàn cả nước.

Những trợ lực từ Co-opBank đã góp phần hỗ trợ hệ thống QTDND ngày càng vững mạnh về năng lực tài chính, chất lượng cán bộ và trình độ quản lý. Hiện vốn điều lệ của hệ thống QTDND đạt 6.344 tỷ đồng (tăng 10% so 2020); Tổng tài sản đạt 160.553 tỷ đồng (tăng 12% so 2020); Huy động vốn đạt 141.810 tỷ đồng (tăng 12% so 2020); Cho vay thành viên đạt 112.205 tỷ đồng (tăng 6% so 2020); Nợ xấu thấp, chiếm 0,93% tổng dư nợ.

Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng và mạnh mẽ, “Co-opBank cho rằng chuyển đổi số chính là giải pháp căn cơ nhất để chuyển đổi hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững và cũng là giải pháp căn cơ để Co-opBank có thể làm tốt vai trò ngân hàng hỗ trợ cho hệ thống QTDND. Tuy nhiên, đối với các QTDND để tự chuyển đổi là rất khó do tiềm lực về tài chính, cơ sở, nhân lực rất hạn chế, khoảng cách địa lý lại cách xa nhau, do đó đòi hỏi trách nhiệm của Co-opBank trong việc làm đầu mối chuyển đổi số”, Chủ tịch HĐQT Co-opBank Nguyễn Quốc Cường cho biết.

Thấu hiểu điều đó nên trong năm 2021, Co-opBank đã quyết liệt dành mọi nguồn lực cho chuyển đổi số. Sau một năm cố gắng nỗ lực cao ứng dụng, ngày 10/1/2022 ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking đã được Co-opBank ra mắt chính thức và đưa vào phục vụ các QTDND thành viên, khách hàng góp phần “kết nối nông thôn – thành thị” để không ai bị bỏ lại phía sau.

Co-opBank cũng vừa cho ra mắt thẻ Chip Co-opBank Napas và dự kiến đến 31/01/2022 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ thẻ từ sang thẻ chip theo đúng tiêu chuẩn VCCS.

Đồng thời, Co-opBank đẩy mạnh triển khai hệ thống Khởi tạo và quản lý khoản vay từ xa (RLOS) áp dụng cho khoản vay thấu chi trên thẻ ghi nợ. Hệ thống ngân hàng điện tử CF-ebank tiếp tục mở rộng đến 679 điểm giao dịch, bao gồm 32 Chi nhánh, 66 Phòng giao dịch và 581 QTDND; triển khai có hiệu quả dịch vụ thấu chi tài khoản thanh toán đối với các thành viên tham gia hệ thống CF-eBank nhằm hỗ trợ nguồn vốn thiếu hụt tạm thời, đáp ứng nhu cầu thanh toán chuyển tiền của thành viên, khách hàng.

Nâng cao năng lực hỗ trợ nền kinh tế

Song hành với vai trò ngân hàng của hệ thống QTDND, vai trò của một ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế cũng được Co-opBank triển khai hiệu quả. Tính đến ngày 31/12/2021, tổng số dư cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân của Co-opBank là 22.738 tỷ đồng, tăng 19,83% so với năm trước. Trong đó, riêng dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 14.596 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 64,25% dư nợ cho vay doanh nghiệp, cá nhân.

Đặc biệt thực hiện chỉ đạo của NHNN, Co-opBank chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, tính từ 13/3/2020 đến 31/12/2021, Co-opBank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi cho 449 khách hàng với dư nợ là 428 tỷ đồng; điều chỉnh giảm lãi suất cho 9.660 khách hàng với tổng dư nợ 2.288 tỷ đồng.

Bước sang năm 2022, Co-opBank định hướng, tiếp tục thực hiện tốt vai trò của một ngân hàng đầu mối và liên kết hệ thống QTDND. Các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng cũng đã được đặt ra: Huy động vốn tăng trưởng tối thiểu 15%; Tăng trưởng tín dụng: Cho vay QTDND tăng trưởng tối thiểu 15%.

Nhất trí với kế hoạch hoạt động năm 2022 của Co-opBank, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng chỉ ra những thách thức cho sự phát triển bền vững của Co-opBank và hệ thống QTDND. Ông cũng lưu ý việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính năm 2022 phải bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN. Đặc biệt phải quán triệt toàn hệ thống Co-opBank thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại cung cấp cho các QTDND thành viên.

“Co-opBank cần tiếp tục tăng cường vai trò ngân hàng của hệ thống QTDND, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn, bảo đảm an toàn hệ thống QTDND; là công cụ hữu hiệu của NHNN trong giám sát hoạt động và phát triển hệ thống QTDND”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng chỉ đạo Co-opBank tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Tham gia tích cực vào việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại hệ thống QTDND giai đoạn tới trong đó chủ động đề xuất với NHNN về các giải pháp tái cơ cấu mô hình QTDND, Co-opBank…

Nguồn: Nhất Thanh – Thời báo ngân hàng

Share this post