Ngân hàng số ngày càng gần hơn

Ngân hàng số ngày càng gần hơn

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, cùng với sự gia tăng của khối lượng cũng như độ phức tạp dữ liệu là sự phát triển của các nền tảng số hoá, ứng dụng thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu thông qua tương tác liên tục, trực tuyến các thiết bị kết nối và người dùng. Do đó  không những đòi hỏi có sự đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, mà quan trọng hơn hết là phải quản trị thông minh khối lượng dữ liệu này.

Rộng cửa triển khai ngân hàng số

Ngày 25/2, Bộ Công an đã chính thức khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Hệ thống CSDLQGDC cũng như dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Theo đó, các thông tin của người dân, doanh nghiệp sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ CSDLQGDC mà không cần người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực giấy tờ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việc xây dựng CSDLQGDC có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử, giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, đây mới chỉ là bước mở đầu, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là Bộ Công an cần hoàn thành, mở rộng việc kết nối CSDLQGDC thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia để chia sẻ cho các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (xác thực thông tin người dùng, hỗ trợ cung cấp, kiểm tra thông tin công dân…).

Việc ra đời CSDLQGDC, tiến tới cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm… là vấn đề được đề cập tới rất nhiều thời gian qua. Với riêng lĩnh vực ngân hàng, cuối tháng 12/2020, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong đó, nội dung được quan tâm nhất là kể từ 5/3/2021, chính thức cho phép áp dụng định danh khách hàng theo phương thức điện tử (eKYC) đối với hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhiều lần nhấn mạnh, việc cho phép triển khai eKYC chính là “tấm vé gửi xe” để bước vào ngân hàng số. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để ngân hàng có thể triển khai ứng dụng eKYC hiệu quả nhất là kết nối được với dữ liệu từ CSDLQGDC. Bởi thực tế, nếu chỉ sử dụng CMND không thôi thì chưa chứa đủ thông tin để xác thực được khách hàng một cách chính xác nhất.

Theo các chuyên gia, nền tảng dữ liệu từ CSDLQGDC với thông tin được cập nhật thường xuyên, liên tục là vô cùng quan trọng, mở rộng thêm cánh cửa cho các nhà băng có cơ sở triển khai ngân hàng số, bởi khi có CSDLQGDC và được phép truy xuất thông tin từ đó thì dữ liệu về khách hàng không những đảm bảo tính chuẩn xác, tránh trùng lặp mà còn tối ưu hoá về mặt thời gian, đảm bảo tốt cho công tác quản lý, kiểm soát.

Có chiến lược khai thác dữ liệu

Dữ liệu được coi là “dầu mỏ mới”, là nguồn cung cấp năng lượng cho chuyển đổi số. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, cùng với sự gia tăng của khối lượng cũng như độ phức tạp dữ liệu là sự phát triển của các nền tảng số hoá, ứng dụng thu thập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu thông qua tương tác liên tục, trực tuyến các thiết bị kết nối và người dùng. Do đó không những đòi hỏi có sự đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, mà quan trọng hơn hết là phải quản trị thông minh khối lượng dữ liệu này.

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh – Giám đốc Kaspersky khu vực Indochina chia sẻ, trước khi chờ hoàn thiện quy định, cơ chế chia sẻ, kết nối thông tin từ CSDLQGDC thì mỗi ngân hàng đều phải có ý thức trong thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu thông minh trên cơ sở ứng dụng thành tựu công nghệ thời đại 4.0. Như việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xác định các giao dịch hoặc hoạt động gian lận sẽ giúp công tác kiểm toán nội bộ, kiểm tra, giám sát tuân thủ tốt hơn. Khai thác tốt dữ liệu cũng sẽ giúp phát triển các mô hình dự báo theo thời gian thực, đáp ứng lập tức nhu cầu của khách hàng.

Nêu lên kinh nghiệm của một số NHTM trên thế giới, theo TS. Cấn Văn Lực, không ít nhà băng tự động hoá quản trị các loại dữ liệu và nhiều nền tảng đám mây dữ liệu song song; hay xây dựng mô hình quản trị dữ liệu gắn liền với trách nhiệm bảo mật, kiểm soát dữ liệu; mở rộng ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu để đưa ra các quyết định kinh doanh…

Dưới góc độ một NHTM trong nước, chia sẻ kinh nghiệm từ việc triển khai Dự án Kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW), ông Trần Hồng Thắng – Giám đốc dữ liệu (CDO) của VietinBank nhìn nhận, các ngân hàng không triển khai phương thức quản trị dữ liệu như nhau bởi tùy theo chiến lược kinh doanh, chiến lược chuyển đổi số, mỗi ngân hàng sẽ lựa chọn phương pháp triển khai phù hợp. Thêm nữa, nhà băng phải xác định rõ mục đích của một dự án về dữ liệu không chỉ đáp ứng nhu cầu cho báo cáo, mà còn cần trong phân tích, khai phá dữ liệu. Bởi vậy sẽ không thể áp dụng cách thức lấy yêu cầu theo truyền thống trước đây theo báo cáo dựng sẵn, mà phải đưa ra yêu cầu ở mức dữ liệu chi tiết nhưng hướng tới mục tiêu sử dụng ở hiện tại và tương lai. Ông Thắng cũng lưu ý tới một số vấn đề khác như đối soát dữ liệu để đảm bảo tính chính xác của số liệu, quy trình phối hợp giữa các bên liên quan, cũng như cần có cơ chế bảo mật cao nhất đối với dữ liệu trong quá trình triển khai…

Liên quan tới điều này, ThS. Tô Thị Diệu Loan – Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank nêu quan điểm: Yếu tố chính sách và môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng nhất, cần thiết để thực thi bảo vệ dữ liệu khách hàng. Như đối với việc phát triển sản phẩm và chuyển giao dịch vụ, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính và bên thứ 3 có liên quan cần tích hợp quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng vào các chính sách sản phẩm hiện có. Đồng thời có chính sách và quy trình nội bộ bảo vệ dữ liệu người dùng cũng như quản lý rủi ro nội bộ, hợp tác với các bên liên quan hạn chế rủi ro an ninh mạng, minh bạch, công khai về các điều khoản cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính số…

Nguồn: Minh Khôi – Thời báo ngân hàng

Share this post