Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, ngăn ngừa tín dụng đen mùa dịch

Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, ngăn ngừa tín dụng đen mùa dịch

Các nhà băng đang tích cực tung ra nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng đa dạng với ưu đãi hấp dẫn, thủ tục cho vay đơn giản, linh hoạt để phần nào kích thích tăng trưởng kinh tế và đẩy lùi tín dụng đen vẫn đang tiềm tàng trong mùa dịch.

Nhu cầu vay tăng cao

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của người dân sụt giảm, hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, chỉ trong quý II năm nay, đã có 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, trong đó có 557 nghìn người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, theo Tổng cục Thống kê.

Đặc biệt, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo công bố của Tổng cục Thống kê là gần 1,2 triệu người, tăng 87,1 nghìn người so với quý trước.

Thực tế cho thấy, dịch bệnh kéo dài một năm rưỡi qua đã gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Do mất việc hoặc bị ngừng việc chưa hẹn ngày quay trở lại, nhiều người đã rơi vào tình cảnh không còn đủ sức để gồng gánh các loại chi phí sinh hoạt.

Theo các chuyên gia, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân đang tăng cao sau khi trải qua nhiều đợt dịch kéo dài. Nguồn tín dụng từ các nhà băng lúc này sẽ là cứu cánh của nhiều gia đình trong đại dịch.

Nhận định được điều này, các ngân hàng cũng đã tích cực đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất ưu đãi, hình thức cho vay linh hoạt để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Đơn cử như trong khối “Big 4”, Agribank mới đây đã thông báo dành 20.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị.

Cụ thể, chương trình này bắt đầu áp dụng đối với các khoản giải ngân mới từ 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc đến khi hết quy mô của chương trình. Lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5%/năm đến 7%/năm với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 12 tháng kể từ ngày giải ngân.

Song song với cho vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị, Agribank cũng đang triển khai chương trình cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 30 triệu đồng với lãi suất cạnh tranh nhất thị trường để phục vụ chi tiêu đột xuất như: Thanh toán vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản hay thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí,… tại máy quẹt thẻ POS mà không cần tiền mặt hay phải chịu bất cứ một khoản phí thanh toán nào.

Một đại diện đến từ khối NHTM cổ phần là Bắc Á Bank cũng đã phối hợp cùng Dai-ichi Life Việt Nam để triển khai chương trình “Giải ngân nhanh – Quà tặng bình an” từ ngày 1/7 đến 31/10 tại hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, dành cho khách hàng là cá nhân vay vốn đồng thời đăng ký tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của Dai-ichi Life Việt Nam.

Theo đó, tùy mức vay và doanh thu hợp đồng bảo hiểm, khách hàng sẽ nhận quà tặng thiết thực là thẻ ghi nợ nội địa có giá trị tối đa lên tới 2 triệu đồng. Chương trình có tổng hạn mức tín dụng lên đến 1.000 tỷ đồng, hứa hẹn tối ưu và đáp ứng trọn gói nhu cầu đa đạng của khách hàng.

Khảo sát nhanh tại một số nhà băng cũng cho thấy, sản phẩm cho vay tiêu dùng đang được thiết kế đa dạng, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt, đem đến tiện lợi cho người dân.

Không chỉ lãi suất hấp dẫn, các hình thức cho vay cũng linh hoạt hơn, nhất là để đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Đơn cử như tại VPBank, khách hàng chỉ mất 5 phút đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên ngân hàng điện tử của nhà băng này mà không cần bất kỳ hồ sơ giấy tờ nào, giải ngân online chỉ sau vài phút với hạn mức vay từ 10-100 triệu đồng với kỳ hạn vay từ 6-60 tháng.

Đầu năm nay, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cùng 7 ngân hàng (VietinBank, ACB, Sacombank, Viet Capital Bank, BaoVietBank, HDBank và VietBank) cũng chính thức cho ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa của các ngân hàng.

Theo đó, loại thẻ này được đưa ra với mong muốn kích cầu tiêu dùng, có ưu điểm như chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi tối đa lên đến 55 ngày; chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán 235.304 POS và 14.386 ATM chấp nhận thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng.

Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của NAPAS tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý.

Đủ chiêu trò lừa cho vay tiêu dùng mùa dịch

Lợi dụng hoàn cảnh nhiều người đang chật vật trong khó khăn vì dịch bệnh, nhiều đối tượng đã tung đủ chiêu trò lừa đảo, giả dạng ngân hàng để người dân “sập bẫy” vay với lãi suất cắt cổ.

Mới đây, VPBank đã phát đi cảnh báo phát hiện ra app VAY TOT credit tự mạo danh là app vay tiền của VPBank yêu cầu khách hàng đóng một khoản phí để được giải ngân tiền. Chiêu trò lừa đảo của VAY TOT credit đó là gửi thông tin hỗ trợ khoản vay lên tới 1 tỷ đồng, yêu cầu khách hàng nhấn vào một đường link để đăng ký vay 70 triệu.

Sau đó kẻ mạo danh sẽ liên hệ với khách hàng qua zalo và yêu cầu khách hàng hoàn tất hồ sơ xét duyệt sau đó vào ứng dụng rút tiền về tài khoản. Thực tế khách hàng vào ứng dụng thực hiện rút tiền thì báo lỗi và kẻ gian gọi điện yêu cầu cung cấp tên, số tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân để sửa đổi giúp.

Kẻ lừa đảo tinh vi gửi đến khách hàng 01 Bản điều khoản thay đổi số tài khoản (có dấu đỏ giả mạo con dấu của VPBank) thông báo nạp 10% khoản vay tương đương với 7 triệu đồng để thay đổi số tài khoản và hứa số tiền này sẽ được hoàn trả vào tài khoản cùng số tiền vay.

Đồng thời ngân hàng này cũng khẳng định, đây là quảng cáo giả mạo và các khoản vay tại VPBank không yêu cầu khách hàng phải thanh toán hay nộp bất kỳ khoản phí kèm theo.

Tương tự, Eximbank cũng bị giả mạo các trang web mời khách hàng có nhu cầu phát hành thẻ, vay vốn và yêu cầu trả một khoản phí hỗ trợ hồ sơ thẻ tín dụng, vay và giải ngân tiền. Ngay sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên lạc được với những người này. Trong các thủ đoạn mà Eximbank chỉ ra, có một chiêu mà khách hàng sẽ bị mất cảnh giác, đó là tài khoản khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền nhỏ.

Ngay sau đó sẽ có người liên lạc tự xưng là nhân viên ngân hàng hay tổ chức chuyển tiền điện thoại, thông báo cho khách hàng có một giao dịch chuyển tiền đến bị treo, và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link hướng dẫn, để tra soát giao dịch, xác thực thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền…

Trường hợp khách hàng truy cập, đường link này sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng trực tuyến hoặc dịch vụ thẻ. Từ đó kẻ gian sẽ thực hiện lấy cắp thông tin này, truy cập vào tài khoản khách hàng để trộm tiền.

Bên cạnh các hình thức lừa đảo, nhiều nhóm đối tượng cho vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ cũng đang xuất hiện. Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an cho biết vừa ra quyết định khởi tố nhóm đối tượng cho vay nặng lãi lên tới 360%/năm.

Theo các chuyên gia, nhận biết được tâm lý người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh, nhiều đối tượng đã sử dụng đủ mọi chiêu trò từ lừa đảo đến cho vay với lãi suất cắt cổ. Chính vì vậy, người dân nên tìm đến các nguồn tín dụng chính thức từ các tổ chức tín dụng, không nên tìm đến tín dụng đen hay vay qua các app online không được cấp phép sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Thực tế đã không ít người rơi vào tình cảnh “khóc ròng” vì lỡ vay tiền qua các app online và trở thành “con mồi” bị săn đón, khủng bố khi chậm trả tiền, số tiền phải trả cũng nhân lên nhiều lần so với số tiền gốc vay ban đầu.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Quỳnh Trang – Thời báo ngân hàng

Share this post