Đề cao quản trị doanh nghiệp trong ngân hàng
Đề cao quản trị doanh nghiệp trong ngân hàng
Các NHTM tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và thông lệ về các giao dịch bên liên quan
Mặc dù các ngân hàng Thương mại đã có quy trình cho vay vốn rất chặt chẽ, rủi ro đối với các khách hàng độc lập, bình thường có thể nói đã được quản lý tốt. Nhưng cũng có một thực tế mà ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc Danh mục đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital kể ra đó là vấn đề giao dịch bên liên quan khi các quy định bị “vô hiệu hóa” hoặc không kiểm soát được.
Ông Điền nhấn mạnh “việc xây dựng được một quy trình đối với các giao dịch bên liên quan là rất quan trọng đối với các NHTM”. Theo một số chuyên gia tài chính – ngân hàng, trong những năm vừa qua, có sự lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tiến hành các giao dịch bên liên quan nên đã dẫn đến rủi ro và yếu kém của một số ngân hàng.
Trong khu vực NH Việt Nam hiện nay, các giao dịch bên liên quan – các hợp đồng kinh tế hay các giao dịch khác giữa hai bên có kết nối với nhau bởi một mối quan hệ đặc biệt nhất định phát sinh từ trước khi tiến hành giao dịch – khá phổ biến. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát NH (NHNN) lưu ý: “đã đến lúc các ngân hàng Thương mại phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn và thông lệ về các giao dịch bên liên quan”. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng và Việt Nam đang phải tiếp cận và tuân thủ ngày càng nhiều hơn các chuẩn mực, thông lệ quốc tế thì vấn đề các giao dịch bên liên quan cũng cần những nhận thức và quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn từ phía giới chủ ngân hàng.
Các quy định về các giao dịch bên liên quan đã có trong pháp luật của Việt Nam cũng như ở mỗi ngân hàng. Nhưng theo ông Điền thì các quy định này mới dừng ở mức “chung chung” và định nghĩa về bên liên quan trong luật Việt Nam không rộng bằng các thông lệ quốc tế, có thể danh sách bên liên quan chưa đầy đủ. Các ngân hàng Thương mại cần cụ thể hóa tất cả các quy định chung đó, kết hợp với các thông lệ quốc tế để đưa ra các quy trình phê duyệt cho riêng mình.
Là người có nhiều kinh nghiệm về quản lý các giao dịch bên liên quan, ông Jamal Ahmad, Giám đốc Quốc gia về Quản lý rủi ro của Standard Chartered Bank, cho rằng, nguy cơ rủi ro (rủi ro tín dụng, thị trường, tuân thủ pháp luật, danh tiếng của NH) có thể phát sinh từ những xung đột lợi ích trong các giao dịch bên liên quan là rất lớn.
Các ngân hàng thương mại rất cần phải xây dựng được một chính sách và quy trình thủ tục các giao dịch bên liên quan, trong đó xác định rất rõ những rủi ro có khả năng phát sinh từ các giao dịch bên liên quan và cách thức quản trị cũng như xử lý các rủi ro đó.
Chính sách và quy trình thủ tục đó phải được hỗ trợ bởi những cơ chế, cơ cấu tổ chức và bố trí thực hiện. “Kinh nghiệm của các định chế tài chính đã thành công trong quản lý các giao dịch bên liên quan là một mặt phải có khuôn khổ quản trị rủi ro hiệu quả. Khuôn khổ đó đề cập rất rõ ràng đến trách nhiệm giải trình ở từng cấp, từng cá nhân trong một tổ chức”, theo ông Jamal Ahmad.
Theo bà Anne Molyneux, đồng tác giả cuốn Sổ tay Hướng dẫn về các giao dịch bên liên quan dành cho các ngân hàng thương mại Việt Nam vừa được giới thiệu ngày 14/1/2016, một trong những yêu cầu quan trọng là cần làm sao xác định được tất cả các bên liên quan, các giao dịch bên liên quan và ảnh hưởng của nó đến tài sản của ngân hàng.
Cần làm rõ cơ chế trách nhiệm giải trình của các cá nhân, chức danh của ngân hàng và cơ chế khuyến khích và bảo vệ để tất cả mọi người có thể tố giác các hành vi các giao dịch bên liên quan mờ ám. Và xuất phát điểm ban đầu là phải có danh mục, cơ sở dữ liệu ghi lại bên liên quan và các lợi ích liên quan của họ.
Đây sẽ là cơ sở để các bộ phận có chức năng như ủy ban kiểm toán nội bộ, ban kiểm soát của ngân hàng có thể thường xuyên kiểm tra. Và các chuyên gia nhấn mạnh “Vấn đề quản trị DN trong NH cần được đề cao hơn nữa”
( trich thoibaonganhang)