Nâng cao bảo mật thẻ tín dụng từ phía khách hàng

Nâng cao bảo mật thẻ tín dụng từ phía khách hàng

Khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay có mặt cả thẻ tín dụng quốc tế và thẻ tín dụng nội địa. Đặc biệt, giai đoạn 5 năm 2017 – 2021 ghi nhận số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm – cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm. Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cho thấy, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao (34% có dự định mở thẻ).

Chính sách mở thẻ ngày càng dễ dàng, thuận tiện hơn, khách hàng cũng được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán qua thẻ tín dụng. Cộng thêm thói quen chi tiêu, mua sắm, tiêu dùng của người dân ngày càng có sự thay đổi, nhất là khi có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 với ưu tiên hạn chế tiếp xúc trực tiếp đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng tăng cao hơn trước rất nhiều. Đây là tín hiệu đáng mừng giúp gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, song mặt khác cũng đặt ra thách thức khi nhu cầu sử dụng thẻ càng lớn, thì tội phạm công nghệ cũng càng cao.

Thực tế, có không ít trường hợp khách hàng bị các đối tượng lừa đảo tiếp cận qua giới thiệu các chương trình giả mạo hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ rút tiền dư trong thẻ tín dụng, kích hoạt thẻ tín dụng… để chiếm đoạt thông tin thẻ. Không ít ngân hàng như Agribank, TPBank, VPBank, Techcombank… đã ra thông báo cảnh báo khách hàng trước hiện tượng một số kẻ mạo danh nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền và thông tin qua mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng. Thậm chí có khách hàng không mất thẻ nhưng cũng nhận được tin nhắn về điện thoại là tài khoản bị trừ tiền dù không hề thực hiện giao dịch.

Nói như vậy để thấy, ngoài tiện ích thẻ tín dụng của ngân hàng nào phong phú hơn thì câu chuyện bảo mật luôn là vấn đề khách hàng quan tâm hàng đầu. Giới chuyên gia công nghệ cũng đưa ra một lưu ý rằng, tội phạm công nghệ hiện nay đã có sự mở rộng về đối tượng, không đơn thuần chỉ tập trung vào các tổ chức tài chính – ngân hàng mà có xu hướng tấn công vào người dùng cuối nhiều hơn.

Ông Ngô Tấn Vũ Khanh – Giám đốc Kaspersky khu vực Indochina chia sẻ, ứng dụng ngân hàng hiện nay phần lớn đều đã có bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế, song chuyên gia này cho rằng mới chỉ dừng lại ở việc đảm bảo an toàn cho hệ thống hơn là chống gian lận. Theo tính toán của công ty bảo mật này, các ngân hàng cũng như dịch vụ thanh toán chỉ bảo vệ ở hệ thống, trong khí đó gian lận xảy ra ở người dùng cuối lên tới 80%.

Với người dùng cuối (khách hàng), ông Khanh cho rằng cần phải tự giác nâng cao hiểu biết về các cách thức bảo mật ở mức cơ bản nhất khi tham gia vào hệ sinh thái thanh toán. Như việc không bao giờ được tiết lộ mã OTP cho người khác, không dùng tuỳ chọn nhận mã OTP qua cuộc gọi vì có thể bị nghe lén. Một số công cụ bảo mật cá nhân như các phần mềm bảo vệ thiết bị đầu cuối dành cho di động, máy tính… cũng nên được khách hàng tự trang bị cho bản thân để tránh bị phần mềm gián điệp đọc trộm màn hình.

Đồng quan điểm, ông Ngô Trần Vũ – CEO Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn (NTSS) cũng nhận thấy, người dùng phải có ý thức cảnh giác, tự bảo vệ mình, không nên lơ là hay phó mặc việc bảo mật cho nhà cung cấp giải pháp bởi đây là mắt xích trọng yếu trong hệ thống bảo mật. Chủ quan sẽ khiến cho người dùng dễ sai sót khi giao dịch, dù hệ thống của ngân hàng có được bảo mật hiện đại đến mức nào đi chăng nữa.

Cũng theo chuyên gia, đã có nhiều cảnh báo về cẩn trọng khi ấn vào các website, đường link lạ song vẫn nhiều khách hàng mắc bẫy. “Khách hàng chỉ giao dịch tại các website/ứng dụng di động uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, bảo mật cao. Lưu ý gõ địa chỉ đường link website đầy đủ vào thanh địa chỉ trong trình duyệt internet thay vì chọn đường link có sẵn hoặc được gợi ý. Tuyệt đối không lưu lại tài khoản đăng nhập và mật khẩu có gắn với thông tin thẻ trên trình duyệt khi giao dịch; phải đăng xuất thoát khỏi ứng dụng, website khi hoàn thành phiên giao dịch”, vị chuyên gia trên lưu ý.

Đại diện phía Chi hội thẻ Việt Nam nhận thấy, khách hàng nên chủ động quản trị rủi ro thẻ thông qua các công cụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng đã cung cấp cho khách hàng các công cụ để khách hàng có thể chủ động quản trị thẻ thông qua các ứng dụng hoặc các website. Theo đó, khách hàng có thể chủ động tạm thời đóng/mở thẻ, đóng/mở chức năng thanh toán trực tuyến. Trường hợp khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng thẻ thì nên tạm thời khoá thẻ, nếu mở ra chi tiêu cũng nên đóng lại ngay sau khi hoàn tất giao dịch. Bên cạnh đó, khách hàng có thể cài đặt các hạn mức thanh toán như trường hợp khi nhu cầu giao dịch thông thường của khách hàng dưới 5 triệu đồng trong khi hạn mức tín dụng mà ngân hàng cấp cho khách hàng là 100 triệu đồng thì khách hàng hoàn toàn có thể tự mình đặt hạn mức số tiền giao dịch/lần/ngày là 5 triệu đồng cho đến khi có nhu cầu chi tiêu cao hơn.

“Ứng dụng ngân hàng cung cấp cho khách hàng có nhiều tính năng khác, nên khách hàng có thể quản trị rủi ro thẻ một cách chủ động dù đang ở bất kỳ đâu, không cần phải liên hệ trực tiếp với ngân hàng cũng như tự mình xử lý nhanh nhất các tình huống phát sinh để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra rủi ro”, chuyên gia cho hay.

Nguồn: Khuê Nguyễn –  Thời báo ngân hàng

Share this post