Dừng cho vay tuần hoàn: Có thể chỉ là tạm thời

Dừng cho vay tuần hoàn: Có thể chỉ là tạm thời

Dừng cho vay tuần hoàn: Có thể chỉ là tạm thời

Đặc điểm nổi bật của cho vay tuần hoàn là sự thống nhất giữa ngân hàng và khách hàng ngay từ khi bắt đầu khoản vay (được quy định trong hợp đồng) về việc thỏa thuận điều chỉnh thời gian trả nợ…

Dừng cho vay tuần hoàn chỉ là tạm thời

Dừng cho vay tuần hoàn chỉ là tạm thời

Công văn số 6960/ NHNN – TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước ngày 16/9/2016 một lần nữa nhắc lại về việc dừng cho vay tuần hoàn. Tuy nhiên, tác động của việc dừng sản phẩm này ít ảnh hưởng đến đa số các ngân hàng nội, và nó có thể chỉ là một quyết định tạm thời trong khi chờ các quy định cụ thể về một sản phẩm cho vay có nhiều lợi ích.

Phổ biến trên thế giới, xa lạ tại Việt Nam

Cho vay tuần hoàn (rollover loan) là khoản vay mà theo quy định của hợp đồng vay, khi đến ngày đáo hạn, người vay có thể thỏa thuận với ngân hàng để được tiếp tục nợ tiền vay (toàn bộ hoặc một phần) thêm một thời gian nữa mà không bị chuyển nhóm nợ. Điều này nghĩa là khoản vay được điều chỉnh thời gian trả nợ.

Hoặc có một hình thức khác là khi nợ vay được hoàn trả, người vay có thể được vay lại (ngay lập tức) toàn bộ/một phần số tiền đã trả theo các điều khoản trong hợp đồng. Người vay sẽ phải mất một khoản phí và/hoặc chấp nhận một mức lãi suất mới để bù đắp cho thiệt hại của ngân hàng (do phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn). Ngoài ra, ngân hàng có thể yêu cầu khách hàng duy trì một số dư “đền bù” trên tài khoản thanh toán. Khoản vay tuần hoàn được xem là một hình thức cho vay không kết thúc hoặc quay vòng.

Trong hợp đồng cho vay tuần hoàn, một khách hàng cá nhân vay mua ô tô nhưng cơ quan chậm trả lương hoặc một doanh nghiệp chậm thu tiền bán hàng so với dự kiến đều có thể thương lượng với ngân hàng để giãn kỳ hạn trả nợ. Tất nhiên, ngân hàng cho phép gia hạn/quay vòng khoản vay vì đánh giá được khách hàng có khả năng trả nợ trong tương lai, còn việc chậm trả nợ hiện tại chỉ là khó khăn tạm thời hoặc là đặc thù hoạt động của khách hàng.

Như vậy, đặc điểm nổi bật của cho vay tuần hoàn là sự thống nhất giữa ngân hàng và khách hàng ngay từ khi bắt đầu khoản vay (được quy định trong hợp đồng) về việc thỏa thuận điều chỉnh thời gian trả nợ (hay tái tục/quay vòng khoản vay) nếu cần thiết, và sự điều chỉnh thời gian trả nợ này không đi kèm với việc chuyển nhóm nợ. Cho vay tuần hoàn không phải là hình thức cho vay hạn mức, cho vay thấu chi đang áp dụng tại các ngân hàng trong nước như nhiều người hiểu nhầm.

Mặc dù không phổ biến tại Việt Nam, nhưng phương thức cho vay tuần hoàn được các ngân hàng trên thế giới áp dụng rộng rãi, đặc biệt là để tài trợ nhu cầu vốn lưu động cho các khách hàng doanh nghiệp tốt và có vòng quay vốn ngắn. Vì vòng quay vốn ngắn nên việc cứ phải vay- trả liên tục làm phiền hà cả ngân hàng lẫn khách hàng. Thực tế đối với các doanh nghiệp này, dòng tiền vay ban đầu đã hòa vào dòng vốn lưu động và tại một thời điểm, tiền vay ấy có thể đang nằm ở nguyên vật liệu, có thể ở các khoản phải thu, hàng tồn kho,… Việc xác định thời gian cho vay là theo vòng quay vốn bình quân, nên thực tế dòng tiền về có thể không phù hợp với thời hạn trả nợ. Do đó, thay vì sử dụng mộthạn mức cho vay thông thường (khi cần giải ngân thì khách hàng phải chứng minh mục đích sử dụng vốn, và khi đến hạn phải trả nợ rồi mới vay lại được), nếu sử dụng hạn mức cho vay tuần hoàn, khách hàng được tái tục/quay vòng khoản vay một cách nhanh chóng, đơn giản.

Dừng vì chưa có quy định cụ thể, dễ bị lợi dụng để đảo nợ

Những đặc điểm của cho vay tuần hoàn đem đến các lợi ích đáng kể cho cả ngân hàng và khách hàng. Việc gia hạn nợ đối với các khách hàng mà ngân hàng đánh giá có khả năng trả nợ tốt trong tương lai là cách giải quyết phù hợp trong điều kiện khách hàng gặp “khó khăn tạm thời”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng không cấm gia hạn nợ, nhưng khi gia hạn thì phải phân loại khoản nợ vào nhóm nợ phù hợp. Vấn đề của phương thức cho vay tuần hoàn là khi khoản vay được gia hạn, nhóm nợ của khách hàng vẫn giữ nguyên và ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro. Còn trong hình thức khách hàng được vay lại (ngay lập tức) toàn bộ hoặc một phần số nợ vừa mới trả, thì bản chất là vay để trả nợ, tức là hình thức đảo nợ đã bị NHNN nghiêm cấm.

Nguy hiểm hơn, do đặc điểm của cho vay tuần hoàn nên các ngân hàng hoàn toàn có thể lợi dụng nó để che giấu nợ quá hạn, nợ xấu. Trong khi đó, định nghĩa chính thức về cho vay tuần hoàn cũng như các hướng dẫn thực hiện, các điều kiện áp dụng phương thức cho vay này vẫn chưa được NHNN ban hành. Do đó, cho vay tuần hoàn có thể làm sai lệch bức tranh chất lượng tín dụng và tình hình tài chính thực sựcủa từng ngân hàng cũng như toàn ngành, từ đó gây khó khăn cho NHNN trong công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Thực ra NHNN Việt Nam đã yêu cầu dừng phương thức cho vay tuần hoàn kể từ tháng 9/2014 trong công văn số 7059/NHNN-TTGSNH, và công văn 6960/NHNN-TTGSNH ngày 16/9/2016 chỉ là một văn bản nhắc nhở việc thực hiện yêu cầu này. Nghĩa là trong hai năm qua, nhiều ngân hàng đã không thực hiện yêu cầu của NHNN. Theo trao đổi với các lãnh đạo ngân hàng thương mại, hầu hết các ngân hàng thương mại trong nước đều không cấp tín dụng theo phương thức cho vay tuần hoàn, mà phương thức cho vay này chủ yếu được các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng.

Hai năm trước, cũng chính các ngân hàng ngoại, thông qua Nhóm công tác ngân hàng (thuộc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam), đã có đề xuất rằng NHNN không nên ngăn chặn phương thức cho vay này vì nó là thông lệ quốc tế và “việc tái tục/quay vòng khoản vay không phải do việc suy giảm khả năng tài chính hay chất lượng tín dụng của khách hàng, mà xuất phát từ yêu cầu thực tế hoạt động của doanh nghiệp”.

Tình hình kinh doanh của các ngân hàng ngoại không được công bố rộng rãi nhưng Ngân hàng Nhà nước chắc chắn nắm được thông qua hoạt động thanh tra, giám sát. Cũng chưa có ai khẳng định các ngân hàng có lợi dụng cho vay tuần hoàn để che giấu nợ xấu hay không. Tuy nhiên, việc nhắc lại yêu cầu dừng cho vay tuần hoàn sau hai năm và sau các phản biện chứng tỏ NHNN tin tưởng vào sự hợp lý của yêu cầu này.

Công văn 6960 cũng cho thấy sự thiếu nghiêm túc của một số ngân hàng trước các quy định do cơ quan quản lý Việt Nam ban hành. Thậm chí, nhiều ngày sau khi công văn 6960 ra đời (16/9/2016), trong phần giới thiệu sản phẩm Cho vay vốn lưu động trên trang web của một ngân hàng nước ngoài vẫn còn ghi “Có thể hoàn trả hay tái tục vào ngày đáo hạn của khoản vay”.

Dừng cho vay tuần hoàn có thể chỉ là tạm thời

Thông qua công văn 6960, NHNN đã thể hiện sự quyết liệt trong việc dừng cho vay tuần hoàn, thực chất là ngăn chặn cho vay đảo nợ và tình trạng che giấu nợ quá hạn, nợ xấu. Tuy nhiên, các lợi ích mà phương thức cho vay này mang lại cho ngân hàng và người đi vay là không thể phủ nhận. Đồng thời, trong lộ trình mở cửa ngành ngân hàng, cũng rất khó để NHNN mãi ngăn cấm một phương thức cho vay đã trở thành thông lệ quốc tế.

Năm 2014, trong dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay thay thế Quy chế cho vay 1627 năm 2001, NHNN cũng đã đề xuất bổ sungphương thức cho vay quay vòng và phương thức cho vay tái tục, là các hình thức của cho vay tuần hoàn. Do đó, không loại trừ việc NHNN sẽ cho phép áp dụng cho vay tuần hoàn trong tương lai, đi kèm với các hướng dẫn và điều kiện thực hiện.

(trích cafef)

Share this post