Duy trì mặt bằng lãi suất thấp

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp

Trong trao đổi với báo giới gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận, câu chuyện giảm lãi suất cho vay hiện nay phụ thuộc vào hai vấn đề chính là ngân hàng tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ và cắt giảm lợi nhuận. Và quan điểm của ngành Ngân hàng là không giảm cào bằng, khách hàng nào khó khăn nhiều thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn và ngược lại.

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trong tháng 9 – tháng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 – tiền gửi dân cư đã giảm hơn 1.470 tỷ đồng. Lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp, chỉ ở mức quanh 5,5%/năm vào cuối tháng 10/2021 cho kỳ hạn 12 tháng – giảm 0,57 điểm % so với cùng kỳ. Số liệu mới công bố của NHNN về tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi khách hàng tại các TCTD cũng chỉ ra rằng, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng trong tháng 9/2021 đạt hơn 5,291 triệu tỷ đồng – giảm 1.473 tỷ đồng so với tháng 8/2021 và giảm tới 2.459 tỷ đồng so với tháng 7/2021. Đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp như hiện nay. Từ đầu tháng 11 đến nay, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh ngoại tệ lên tới hơn 60.000 tỷ đồng cũng khiến cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm.

Tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 10/2021 đạt 8,72% so với cuối năm ngoái. Với khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng tín dụng được bơm vào nền kinh tế trong tháng 10/2021 đang cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế sau giai đoạn giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Công ty Chứng khoán SSI nhìn nhận, tín dụng đang được khơi thông, thanh khoản của hệ thống tương đối dồi dào giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện nay. “Lãi suất huy động dao động từ 3 – 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5% đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,2 – 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 – 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9 – 11% đối với khoản vay trên 12 tháng”, SSI đánh giá.

Phía chuyên gia của KB Việt Nam (KBSV) cũng có quan điểm mặt bằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp song dư địa để có thể giảm thêm là rất ít, trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu.

Giới chuyên gia cho rằng, thời gian qua NHNN đã liên tiếp ba lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các TCTD có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dòng tín dụng với lãi suất ưu đãi, góp phần khôi phục sản xuất.

Cơ quan điều hành cũng xây dựng và triển khai nhiều chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… Theo đó đã ban hành các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bản thân các TCTD rất nỗ lực để tiết giảm chi phí hoạt động, dành nguồn lực giảm lãi vay hỗ trợ cho khách hàng.

Đến nay, mặt bằng lãi suất vay đã giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch. Thông tin mới nhất từ NHNN cho biết, tổng số tiền lãi giảm luỹ kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 NHTM là khoảng 15.559 tỷ đồng, đạt hơn 75% so với cam kết. Con số này tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với lần cập nhật vào cuối tháng 9/2021, tương ứng tăng hơn 27%.

“Lãi suất huy động đang ở mức rất thấp rồi, bản thân các ngân hàng thời gian qua đã rất cố gắng để giảm thêm lãi vay cho khách hàng. Chúng ta cũng không đặt vấn đề sẽ giảm tiếp lãi suất huy động để có thể giảm thêm lãi vay nữa vì nếu xuống thấp thêm sẽ gây xáo trộn và bất ổn cho nền kinh tế, sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm không còn sẽ khiến dòng tiền nguy cơ lớn chảy sang các kênh đầu tư khác. Đó là chưa kể, nguy cơ từ nợ xấu dềnh lên buộc các nhà băng phải có một mức lợi nhuận đảm bảo để gia tăng trích lập dự phòng, giảm thêm lãi vay là rất khó”, một chuyên gia ngân hàng chia sẻ.

Thực tế, để hút vốn cuối năm, nhiều ngân hàng cũng rục rịch tăng nhẹ lãi suất huy động từ cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2021. Như BaoVietBank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm – tăng 0,15%; lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên 6,35%/năm – tăng 0,1%. Tại Sacombank, khách hàng gửi tại quầy kỳ hạn 36 tháng được hưởng lãi suất ở mức 6,1%/năm – tăng 0,4 điểm phần trăm so với hồi đầu tháng 10/2021. SHB tăng lãi suất tiền gửi 0,4% lên mức 6,1%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho các khoản dưới hai tỷ đồng…

Trong trao đổi với báo giới gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhìn nhận, câu chuyện giảm lãi suất cho vay hiện nay phụ thuộc vào hai vấn đề chính là ngân hàng tiết giảm chi phí để có nguồn lực hỗ trợ và cắt giảm lợi nhuận. Và quan điểm của ngành Ngân hàng là không giảm cào bằng, khách hàng nào khó khăn nhiều thì sẽ hỗ trợ nhiều hơn và ngược lại.

Vietcombank cho biết, dự kiến năm nay sẽ giảm khoảng 7.100 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng. Agribank cũng ước tính cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Không chỉ khối NHTMNN, nhiều NHTMCP tư nhân cũng cam kết cắt giảm hàng trăm, nghìn tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng như MB, Sacombank, LienVietPostBank…

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Khuê Nguyễn – Thời báo ngân hàng

Share this post