Eximbank khi nào sẽ tìm thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”?
Eximbank khi nào sẽ tìm thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”?
Eximbank vẫn loay hoay ở cuối đường hầm và đang trông chờ rất lớn vào ban lãnh đạo mới của ngân hàng để tìm ra ánh sáng, phục hồi được kết quả kinh doanh.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank – mã: EIB) là một trong những ngân hàng liên tục gặp khó khăn trong thời gian gần đây. Quy mô tài sản của Eximbank cũng liên tục “bốc hơi” mạnh trong 4 năm qua, hiện còn 125 nghìn tỷ đồng và không loại trừ khả năng sớm bị các ngân hàng nhóm sau bắt kịp trong năm tới nếu lãnh đạo nhà băng này không tìm thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”.
Cũng trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của ngân hàng liên tục lao dốc mạnh. Điều đặc biệt, Eximbank đều báo lỗ lớn vào quý cuối năm do khoản dự phòng rủi ro tăng đột biến. Năm 2015, ngân hàng đạt vỏn vẹn 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kết quả này gần như không đáng kể so với kế hoạch 1.000 tỷ đồng mà đại hội cổ đông đã giao phó.
Những khó khăn liên tục đặt ra, thêm vào đó, mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) vừa quyết định đưa cổ phiếu EIB của Eximbank vào diện bị cảnh báo từ ngày 8/4/2016. Nguyên nhân do LNST chưa phân phối tại thời điểm cuối năm 2014 và 2015 đều là số âm.
Cụ thể, trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2014 của công ty, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận 114,01 tỷ đồng, trong đó LNST cả năm 2014 đạt 56,08 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên BCTC đã kiểm toán năm 2015, tại thuyết minh BCTC, khoản mục số 41, có điều chỉnh một số nội dung theo kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo kết luận của Thanh tra, tập đoàn đã bán một số tài sản cố định cho CTCP BĐS E Xim (Eximland) trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2013 và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của các năm này tổng hơn 1.116 tỷ đồng. Sau đó, tập đoàn đã mua lại tài sản này từ Eximland trong thời gian từ năm 2011 đến 2015.
Cũng theo kết luận thanh tra trên, Tập đoàn phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản không đúng quy định và ghi giảm các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu. Do đó, Tập đoàn đã thực hiện điều chỉnh hồi tố đối với số liệu so sánh năm kết thúc ngày 31/12/2014. Ảnh hưởng này đối với báo cáo tài chính năm 2014 thể hiện việc điều chỉnh phần lợi nhuận chưa phân phối đến thời điểm cuối năm 2014 còn -834,56 tỷ đồng; giảm 948,5 tỷ đồng so với ban đầu.
Điều này cũng ảnh hưởng đến năm 2015 khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm 2015 là âm 817,46 tỷ đồng trong khi cả năm lãi gần 40 tỷ đồng.
Với thêm thông tin bất lợi này, cổ phiếu EIB sẽ không được giao dịch ký quỹ, đồng thời sức hấp dẫn của cổ phiếu sẽ giảm. Hiện trên thị trường, giá cổ phiếu EIB đang ở mức 10.300 đồng.
Mới đây, lãnh đạo Eximbank đã phải lên tiếng cam kết minh bạch trong hoạt động kinh doanh đồng thời cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc hạch toán phân bổ đầy đủ các khoản chi phí dự phòng rủi ro để phản ánh đúng kết quả hoạt động.
(trích cafef)