Giao dịch online cẩn trọng lộ thông tin
Theo các chuyên gia công nghệ, hạn chế sử dụng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội là một trong nhiều giải pháp chống kẻ gian lấy hình ảnh đó sử dụng vào các hành vi lừa đảo lấy cắp tiền trên tài khoản khi thực hiện các cuộc xâm nhập trực tuyến.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động giao dịch trực tuyến. Một mặt để đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội, qua đó ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; mặt khác cũng nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN. Theo đó để khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, các ngân hàng không chỉ miễn, giảm mạnh phí thanh toán mà còn tặng thêm lãi suất cho người gửi tiền qua hình thức online.
Nhờ đó giao dịch ngân hàng trực tuyến tăng mạnh trong những tháng dịch. “Hai tháng gần đây, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, trong lĩnh vực thanh toán đã có sự thay đổi chóng mặt, đặc biệt là thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng. Chúng ta mất tới 10 năm hô hào thanh toán không dùng tiền mặt bằng thanh toán điện tử, nhưng kết quả chưa cao, thì 2 tháng qua đã bằng 10 năm trước đó, khi gần như gia đình nào cũng dùng dịch vụ thanh toán online. Hàng chục ngàn đơn vị, DN, cửa hàng trước đây bán hàng offline, thì giờ đây trong mùa dịch, để tồn tại, họ đã phải chuyển đổi số, bán hàng, cung cấp dịch vụ từ xa, chấp nhận thanh toán online, lượng đối tác triển khai thanh toán online tăng vọt”, ông Đào Minh Phú – Tổng giám đốc NextTech Group, Công ty mẹ của ví điện tử Vimo, Ngân lượng, Mpos cho biết.
Số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Napas tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, lợi dụng giao dịch trực tuyến tăng mạnh, các đối tượng tội phạm cũng đẩy mạnh các hoạt động lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân. Bởi vậy các ngân hàng như Vietcombank liên tục đưa ra cảnh báo người dùng dịch vụ tài khoản, tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân tài khoản và thẻ. Rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Thường xuyên theo dõi thông tin giao dịch ngân hàng và đăng ký các dịch vụ để kiểm soát thông tin, đảm bảo giao dịch trực tuyến an toàn.
Ví điện tử MoMo mới đây nhận diện 4 thủ đoạn của kẻ lừa đảo, bao gồm: Giả mạo nhân viên MoMo thông báo trúng thưởng hoặc cảnh báo chủ tài khoản ví có người lạ xâm nhập. Giả mạo nhân viên ngân hàng, công ty tài chính hỗ trợ cho vay và xin thông tin ví điện tử MoMo để kiểm tra khả năng trả nợ, giải ngân vốn vay vào ví điện tử; Giả mạo người đi mua, bán thẻ qua MoMo, xin thông tin đăng nhập vào tài khoản ví để sử dụng thẻ quà. Giả mạo Facebook, Zalo… người thân nhờ thanh toán dịch vụ, nhận tiền hộ.
Theo các chuyên gia công nghệ, hạn chế sử dụng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội là một trong nhiều giải pháp chống kẻ gian lấy hình ảnh đó sử dụng vào các hành vi lừa đảo lấy cắp tiền trên tài khoản khi thực hiện các cuộc xâm nhập trực tuyến.
Hầu hết các ngân hàng và trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán đều cảnh báo người dùng các dịch vụ tài khoản, thẻ, ví điện tử là khi gặp các dấu hiệu lừa đảo hoặc nghi ngờ đã bị kẻ gian xâm nhập vào tài khoản có tiền cần điện thoại ngay cho tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ tài chính cá nhân để khóa tài khoản, thẻ, ví điện tử để đảm bảo an toàn đến mức tối đa có thể.
Dịch bệnh Covid-19, thời gian qua nhiều cá nhân và tổ chức thực hiện giãn cách xã hội nên kẻ gian đã lợi dụng tình hình để giả mạo những người thân hoặc cơ quan để lừa đảo. Theo kết quả phân tích của hãng an ninh mạng Kaspersky, đã phát hiện khoảng 1300 tệp có tên tương tự những ứng dụng hội họp phổ biến như Zoom, Webex và Slack. Các nhà nghiên cứu của Kaspersky đã phát hiện những phần mềm độc hại liên quan đến Covid-19, với hoạt động ẩn mã độc trong những tài liệu về dịch bệnh. Nhưng nguy cơ đe dọa đến bảo mật trực tuyến sẽ còn tiếp diễn.
Ông Yeo Siang Tiong – Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Sự phát triển của không gian mạng cùng CMCN 4.0 đã và đang mang lại những lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho tội phạm mạng trở nên tinh vi hơn. Trong năm 2019, Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng bảo vệ an ninh mạng, với kết quả là sự cải thiện đáng kể của bối cảnh an ninh tại Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích các DN và người dùng tiếp tục nâng cao nhận thức và cập nhật thông tin về bảo mật dữ liệu, từ đó có thể tự bảo vệ trước các mối đe dọa an ninh mạng. Thập kỷ mới sẽ mang đến nhiều công nghệ mới, cũng như xuất hiện các mối đe dọa mạng nguy hiểm hơn, do đó cách tốt nhất vẫn là tiếp tục giữ vững “hàng rào” bảo mật mạng một cách thông minh”.
Để hạn chế các mối đe dọa trực tuyến, Kaspersky đề nghị: Tránh đăng nhập vào ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ tài chính thông qua mạng Wi-Fi công cộng. Không nên tin tưởng bất kỳ địa chỉ email nào được gửi từ người lạ cho đến khi có thể xác định chính xác được danh tính của người gửi. Kiểm tra cẩn thận các liên kết trước khi truy cập vào một trang web, đặc biệt là lỗi chính tả hoặc những nội dung bất thường trong dẫn (link), ngay cả khi đây là trang web được truy cập thường xuyên. Chỉ nhập tên người dùng và mật khẩu qua những kết nối an toàn. Thiết bị công nghệ cần sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy được trang bị tính năng chống phần mềm độc hại.
Phạm Hà Nguyên- Thời báo ngân hàng