Lãi suất cho vay không giảm kịp theo lãi huy động
Trong khi lãi suất huy động giảm 0,5-2,1 điểm % ở tất cả kỳ hạn từ đầu năm, lãi suất cho vay thực tế trên thị trường vẫn chưa có được mức giảm tương đương.
Báo cáo hoạt động ngân hàng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng tiền VNĐ của các tổ chức tín dụng đã có xu hướng giảm so với đầu năm.
Trong đó, lãi suất huy động hiện phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,1%/năm với tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-6,4%/năm với tiền gửi 6 tháng đến dưới 12 tháng; và kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 6-7,1%/năm.
Ở chiều cho vay, lãi suất ngắn hạn tối đa bằng tiền VND đối với một số ngành lĩnh vực hiện ở mức 5%/năm, giảm 1% so với đầu năm. Trong khi mặt bằng lãi cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn và 9-11%/năm với trung và dài hạn.
Lãi suất thực không giảm nhiều
So với mức trung bình đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1%/năm, trong khi lãi suất cho vay thường gồm cả ngắn hạn và trung dài hạn không thay đổi (6-9%/năm với ngắn hạn và 9-11%/năm với trung và dài hạn).
Lãi suất đầu ra chủ yếu giảm ở các khoản cho vay ngắn hạn với ngành lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của cơ quan quản lý tiền tệ.
Theo báo cáo thống kê của SSI Research, lãi suất huy động đã giữ xu hướng giảm liên tục từ đầu năm và giảm mạnh từ tháng 7. Hiện suất tiền gửi đã giảm 0,5-2,1 điểm % ở tất cả kỳ hạn.
Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cũng cho biết đến ngày 16/9, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay mới phổ biến 0,5-2,5% so với trước dịch. Phần dư nợ được hưởng lãi suất thấp này lên tới 1,6 triệu tỷ đồng là doanh số cho vay lũy kế từ 23/1 đến nay với 310.000 khách hàng.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất thực tế vẫn chưa giảm nhiều như tuyên bố của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết hiện nay các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, giãn thời hạn trả nợ. Tuy nhiên mức giảm không nhiều.
Tương tự, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết số giảm lãi suất thực tế không có nhiều khác biệt so với thời điểm trước dịch.
Trong đó, các doanh nghiệp ngành logistics vẫn phải chi trả mức lãi suất 8,5%/năm trở lên với các khoản vay trung, dài hạn và phải có tài sản thế chấp mới được áp dụng mức lãi suất này.
Ngoài ra, dù các ngân hàng khuyến khích doanh nghiệp vay mới nhưng cả lãi suất và điều kiện cho vay đều không giảm. Ước tính, lãi suất cho vay chỉ giảm 0,1-0,2%/năm so với trước dịch, số ít doanh nghiệp được áp dụng mức thấp hơn 0,5%/năm.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cho biết trên thực tế, biên độ giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng không còn nhiều. Đó cũng là lý do lãi suất tiền gửi giảm liên tục từ đầu tháng 7 đến nay để tạo thêm dư địa giảm lãi cho vay.
Như tại Sacombank, lãi suất huy động với khách hàng cá nhân hiện dao động trong khoảng 3,9-4,05%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,7-6,1%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng và 6,5-6,7%/năm với kỳ hạn trên 12 tháng.
Ở chiều cho vay khách hàng cá nhân, lãi suất cho vay có thế chấp thấp nhất đã ở mức 7,5%/năm.
Vì sao lãi suất cho vay giảm chậm?
Theo ông Tuệ, với biên lãi thuần như hiện nay, nếu không giảm thêm lãi suất huy động mà giảm lãi cho vay, ngân hàng sẽ bị thua lỗ. Ông ví dụ, nếu huy động ở mức 5%/năm mà cho vay ra ở 7%/năm, với chênh lệch lãi 2%/năm ngân hàng chắn chắn sẽ chịu lỗ vì phải trang trải các chi phí vận hành, chi phí nhân viên và trích dự phòng…
Phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh tại Hà Nội cũng chia sẻ mức lãi suất cho vay là bí mật kinh doanh với mỗi ngân hàng, nhưng mặt bằng chung hiện nay phổ biến dao động bằng lãi suất huy động cùng kỳ hạn cộng thêm 3,5%.
Tuy nhiên, mức 3,5% này là bao gồm toàn bộ chi phí vận hành, quản trị rủi ro, trích lập dự phòng nợ xấu… nếu trừ đi tất cả chi phí này, ngân hàng mà giảm 1% lãi suất cho vay chắc chắn sẽ chịu lỗ.
Ngoài ra, năng lực tài chính của mỗi ngân hàng là khác nhau nên việc giảm lãi suất cho vay với khách hàng cũng khác nhau.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN cho biết việc điều hành lãi suất cần đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ và nằm trong tổng thể mục tiêu chính sách tiền tệ.
Theo đó, tính từ tháng 9/2019 đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm tương ứng 1,75%/năm, đồng thời giảm 0,8-1,25%/năm trần lãi suất huy động và giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên.
Nửa đầu năm nay, Việt Nam cũng là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành tương đối lớn trong khu vực. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam hiện ở mức 7,7%/năm, tương đương Philippines (7,13%) và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển trong khu vực như Indonesia, Mông Cổ, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar….
Ngoài ra, Thống đốc cũng cho biết việc giảm lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu một phần đến từ việc ngân hàng tự tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng nhân viên, không chia cổ tức bằng tiền mặt…. Trong khi đó, ngân hàng vẫn phải trả lãi đối với các khoản huy động từ người dân, tổ chức kinh tế (dùng làm nguồn cho vay) nên lãi suất cho vay không thể giảm đột ngột.
Theo VNDirect, dù đã giảm lãi suất huy động từ tháng 7 đến nay nhưng NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng được dự báo vẫn sẽ chạm đáy trong năm nay. Theo đó, mức giảm dao động khoảng 1-72 điểm cơ bản so với cùng kỳ với nguyên nhân chính là lãi suất cho vay thấp hơn và phải miễn/giảm lãi vay hiện hữu.
Tuy vậy, các chuyên gia tại đây dự báo NIM sẽ tăng trở lại 4-28 điểm cơ bản trong 2021 nhờ tăng nhu cầu tín dụng tăng.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu khẳng định rất khó để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất cho vay trong môi trường tiền tệ hiện nay vì dư địa không còn nhiều.
Theo ông Hiếu, để giảm được thêm lãi suất, các ngân hàng phải dựa vào lãi suất điều hành của NHNN. Nếu cơ quan quản lý có thể giảm lãi suất điều hành một lần nữa từ nay đến cuối năm, các ngân hàng mới có thể giảm chi phí đầu vào. Điều này cùng với việc giảm chi phí lao động, dự phòng… mức lãi suất cho vay thực tế mới có thể giảm xuống.