Khẳng định vị thế mô hình Hợp tác xã kiểu mới

Khẳng định vị thế mô hình Hợp tác xã kiểu mới

15 năm nhìn lại hành trình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về tổ chức hoạt động của các TCTD hợp tác, cũng như tăng cường vai trò chỉ đạo điều hành giám sát, hướng dẫn hệ thống QTDND hoạt động ổn định và có hiệu quả.

Tạo dựng hành lang pháp lý để phát triển

Với chức năng quản lý nhà nước, NHNN đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một hệ thống cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và QTDND với 1 nghị định, 2 chỉ thị, quyết định của Thủ tướng cùng 14 thông tư, 3 chỉ thị và 12 quyết định của NHNN phù hợp diễn biến phát triển của hệ thống QTDND.

Đặc biệt, NHNN đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019. Đây là điểm tựa quan trọng để các QTDND có thể dựa vào các cấp chính quyền đặc biệt là chính quyền xã cùng các cơ quan công quyền thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống QTDND theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Định hướng phát triển của QTDND một lần nữa được cụ thể hóa trong Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 209/QĐ-TTg đầu năm 2019.

Cũng trong thời gian này, các thông tư ra đời nhằm quy định rõ các nguyên tắc tổ chức hoạt động của các TCTD hợp tác, cùng với đó là các quyết định nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống QTDND từ việc chuẩn hóa các chức danh trong TCTD hợp tác, quy định các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, phê duyệt bộ giáo trình đào tại nghiệp vụ QTDND và chương trình đào tạo… Chất lượng hoạt động QTDND thêm những “vành đai giám sát” từ các chỉ thị của NHNN như Chỉ thị 06/2003/CT-NHNN về tăng cường công tác chỉ đạo giám sát thanh lý QTDND, Chỉ thị 05/CT-NHNN2014 nâng cao chất lượng đảm bảo hoạt động TCTD là HTX và gần đây nhất là Chỉ thị 06/CT-NHNN năm2018.

Đến nay khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của TCTD là HTX tương đối đầy đủ và phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD, luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD và các quy định pháp luật có liên quan. Việc ban hành các thông tư, đề án, chỉ thị đã góp phần dần hoàn thiện mô hình của hệ thống theo hướng an toàn hiệu quả, bền vững..

Hoạt động ngày càng hiệu quả hơn

Tính đến nay hệ thống QTDND có gần 1.200 quỹ hoạt động trên 57/63 tỉnh thành phố, với gần 1,6 triệu thành viên. Dư nợ cho vay của hệ thống QTDND tăng dần qua từng năm từ 4.049,627 tỷ đồng vào năm 2003 đến nay đã đạt trên 90.483 tỷ đồng, tăng gấp hơn 22,3 lần.

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng như Liên minh HTX Việt Nam, QTDND là một trong những mô hình hoạt động có tính ổn định và có hiệu quả nhất trong các loại hình HTX. Hệ thống QTDND từng bước khẳng định được vị thế của mô hình kinh tế HTX kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ -tín dụng. Cơ cấu nguồn vốn và dự nợ cho vay ngày càng được cải thiện hợp lý, chất lượng tín dụng được kiểm soát hướng tới chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn tại các địa bàn, bảo đảm an toàn trong hoạt động. Năng lực tài chính không ngừng được nâng cao. Tất cả các QTDND đều đảm bảo vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định, trong đó hầu hết các QTDND đều có vốn điều lệ cao gấp nhiều lần vốn pháp định.

Với Ngân hàng Hợp tác – Ngân hàng của các QTDND, từ sau chuyên đổi mô hình năm 2013 đến nay, cơ cấu tổ chức đã được củng cố và hoàn thiện theo Luật Các TCTD, mạng lưới không ngừng được mở rộng. Hiện ngoài trụ sở chính, Ngân hàng Hợp tác có 32 chi nhánh trên toàn quốc; Các quy định nội bộ về tổ chức, hoạt động, an toàn và phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Đặc biệt năng lực tài chính của Ngân hàng Hợp tác được nâng cao một bước, đảm bảo nguồn lực thực hiện vai trò điều hòa vốn và hỗ trợ thanh khoản đối với hệ thống QTDND. Các QTDND gặp khó khăn tạm thời về chi trả tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác đã tiến hành cho vay vốn để bù đắp. Cơ chế điều hòa vốn thực sự đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy vai trò đầu mối của Ngân hàng Hợp tác, tăng cường tính liên kết của toàn hệ thống QTDND.

Để hệ thống TCTD hợp tác phát triển theo đúng tinh thần của Chỉ thị 06/CT-NHNN của NHNN và đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 – 2020, cần tập trung rà soát, củng cố chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống QTDND hiện nay nhằm đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh và hiệu quả trước khi thực hiện việc tăng cường mở rộng phát triển. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động và thành lập QTDND phải đảm bảo bản chất của mô hình với mục tiêu tương trợ giữa các thành viên trên cơ sở liên kết trong cùng địa bàn xã, phường thị trấn hoặc liên kết theo ngành nghề sản xuất. NHNN cũng sẽ rà soát đánh giá lại điều kiện nhu cầu khách quan, đảm bảo an toàn đối với các QTDND trong từng địa phương, địa bàn để tiếp tục sắp xếp lại các QTDND…

NHNN đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác và các QTDND theo đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Và điều chỉnh mức vốn điều lệ các QTDND, theo đó, ở địa bàn nông thôn, mức vốn tối thiểu là 500 triệu đồng, địa bàn tỉnh thành phố tối thiểu là 1 tỷ đồng. Quy mô hoạt động của QTDND phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu. Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND có địa bàn hoạt động trên một xã tối thiểu bằng 50% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND. Đối với QTDND có địa bàn hoạt động liên xã, tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên tối thiểu bằng 60% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND. Tổng mức nhận tiền gửi từ thành viên của QTDND có tổng tài sản 500 tỷ đồng trở lên tối thiểu bằng 70% tổng mức nhận tiền gửi của QTDND”.

Các QTDND phải tuân thủ tôn chỉ mục tiêu của loại hình TCTD là HTX theo quy định của pháp luật, tăng cường tính liên kết hệ thống… Riêng Ngân hàng Hợp tác, NHNN nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả vai trò là ngân hàng của các QTDND trong việc điều hòa vốn, liên kết hệ thống và các hoạt động hỗ trợ với các QTDND.

Các mục tiêu cụ thể cũng được đưa ra đến năm 2030 với việc có một hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất về quản lý, thanh tra, giám sát, cấp phép, tổ chức hoạt động đối với các QTDND và Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển… Mức vốn điều lệ tối thiểu của các QTDND sẽ được nâng lên 1 tỷ đồng cho khu vực nông thôn và 3 tỷ đồng cho khu vực tỉnh, thành phố.

Thanh Ngọc – Thời báo kinh tế ngân hàng

Share this post