Lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp

Lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp

Nhìn nhận về xu hướng thời gian tới, chuyên gia dự báo lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I, đầu quý II và có thể nhích tăng từ cuối quý II sau khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Ngay từ đầu tháng 3/2021, đã có một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động tiết kiệm. Chẳng hạn biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân của VPBank được điều chỉnh tăng từ ngày 2/3. Ở kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy với số tiền dưới 300 triệu đồng là 3,5%/năm, tăng 0,2% so với tháng trước. Còn với khoản tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 3,7%/năm, tức tăng 0,05 – 0,1% so với trước. MB cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn, theo đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm…

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai, trong khi lạm phát tăng trở lại, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới. Quả vậy theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng tới 1,52% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất của tháng 2 trong vòng 8 năm trở lại đây.

Tuy nhiên dấu hiệu tăng lãi suất mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng, mức tăng cũng không lớn, trong khi đầu tháng 3 cũng có khá nhiều nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất. Đặc biệt lãi suất huy động tại các ngân hàng quốc doanh – những ngân hàng đang dẫn dắt thị trường hiện tại – vẫn “án binh bất động”. Trong khi đó, có ngân hàng vừa tăng lãi suất huy động thời điểm đầu tháng 3 thì nay đã điều chỉnh giảm trở lại.

Chẳng hạn như Techcombank, hiện ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường dưới 50 tuổi xuống còn 2,55%/năm thay vì mức 2,75%/năm đưa ra hồi đầu tháng; lãi suất áp dụng với khách hàng thường trên 50 tuổi cũng giảm còn 2,75%/năm. Các mức lãi suất kỳ hạn đối với khách hàng VIP dưới 50 tuổi và trên 50 tuổi cũng giảm còn 2,70%/năm và 2,90%/năm từ mức 2,90%/năm và 3,10%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng đối với các đối tượng này cũng được điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn tương ứng là 4,70%/năm; 4,90%/năm; 4,90%/năm và 5,10%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn khác vẫn được giữ nguyên như hồi đầu tháng 3.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc lãi suất huy động được một số ngân hàng nhích tăng chỉ xảy ra cục bộ chứ chưa mang tính hệ thống, nên khó có thể nói là sẽ tạo thành xu hướng. Bởi trên thực tế, bên cạnh những ngân hàng tăng lãi suất huy động thì thị trường cũng ghi nhận có nhà băng giảm lãi huy động.

“Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động chủ yếu nhằm thu hút dòng vốn, tăng sức hấp dẫn đồng tiền trong bối cảnh thời gian qua đầu tư vào kênh chứng khoán, bất động sản trở nên khá hấp dẫn. Lãi suất huy động nhích tăng để thu hút nguồn lực tài chính nhằm tăng nguồn lực cho vay, nên nếu nói để tăng mạnh thì chưa hẳn”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra dự đoán lãi suất huy động sẽ duy trì ở mặt bằng thấp. Nếu có áp lực tăng với lãi suất huy động thì nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn.

Nhìn nhận về xu hướng thời gian tới, chuyên gia dự báo lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I, đầu quý II và có thể nhích tăng từ cuối quý II sau khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Cũng cho rằng lãi suất ngân hàng có thể nhích tăng vào cuối quý II/2021 do hoạt động sản xuất phục hồi, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng, trong khi các ngân hàng cũng cần tăng lãi suất huy động để hấp dẫn nguồn tiền, nhưng theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, mức tăng sẽ không quá lớn.

Cũng có chung nhận định như vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức tăng lãi suất nếu có cũng là không quá lớn do nền kinh tế nói chung cũng như các doanh nghiệp vẫn cần có thời gian để hồi phục mạnh mẽ; cộng thêm việc Chính phủ, NHNN có chủ trương giữ mặt bằng lãi suất ổn định để hỗ trợ nền kinh tế.

Mới đây, NHNN một lần nữa đã có văn bản yêu cầu các TCTD triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Trước đó, ngày 5/3/2021, NHNN đã có công văn yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Riêng các TCTD trên địa bàn tỉnh Hải Dương khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo báo cáo, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 (khởi phát tại Hải Dương từ ngày 27/1/2021) đã ảnh hưởng nặng nề nhất và tác động trực tiếp tại tỉnh Hải Dương, do đó cần có chính sách hỗ trợ riêng đối với khách hàng vay vốn và cho cả các chi nhánh TCTD tại địa bàn. Do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 3 với tốc độ lây lan nhanh, trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại và làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, sản xuất toàn nền kinh tế, NHNN đề nghị các ngân hàng trên địa bàn nghiên cứu, xây dựng các chương trình/sản phẩm/giải pháp cụ thể, đặc thù của từng ngân hàng để hỗ trợ cho khách hàng và hỗ trợ cho các chi nhánh, đơn vị kinh doanh của ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Các chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất dai dẳng, diễn biến thì khó lường, chủ trương của hệ thống ngân hàng là hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch nên kể cả lãi suất huy động có tăng, thì cũng khó có thể tăng quá cao, gây ảnh hưởng tới lãi suất đầu ra.

“Điều quan trọng ở đây để có thể vừa gia tăng được phần nào nguồn tiền gửi, nhưng vẫn đảm bảo có thể hỗ trợ cho khách hàng vay vốn theo định hướng của Chính phủ và cơ quan điều hành, thì bản thân các nhà băng phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm thêm phần nào lãi vay hỗ trợ khách hàng”, vị này cho hay.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn của tín dụng bởi hiện mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp. Trong khi nếu như giảm lãi suất đầu vào quá nhiều, thì nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sang chơi chứng khoán, đầu tư vàng hay các kênh khác, có nghĩa là tiền sẽ không thể tiếp tục chảy vào sản xuất kinh doanh nữa mà lại tập trung vào những lĩnh vực rủi ro hơn.

Nguồn: Minh Khuê – Thời báo ngân hàng

Share this post