Mở đường cho tài chính chia sẻ

Mở đường cho tài chính chia sẻ

“Đã đến lúc chúng ta đưa các hoạt động tài chính chia sẻ đang triển khai một cách đầy vất vả này ra ánh sáng, vừa giúp cho nó phát triển một cách đầy đủ, đúng mực và có kiểm soát”, ông Khổng Phan Đức đặt vấn đề.

Cùng với xu hướng phát triển chung của kinh tế chia sẻ (KTCS) trên thế giới, kinh tế Việt Nam cũng đã chào đón những hoạt động của KTCS trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Theo một số thống kê có khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng ra đời từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia có nhiều phương thức KTCS trong ngành tài chính khác chưa được thừa nhận và khuyến khích của luật pháp nên cách thức làm đang ẩn danh dưới nhiều hình thức, vì vậy chưa tận dụng triệt để được ưu thế của KTCS để huy động nguồn lực vốn nhàn rỗi phục vụ cho phát triển kinh tế.

Kinh tế chia sẻ yếu, TTCK phát triển chưa xứng tầm

Nhìn lại thị trường tài chính Việt Nam những năm qua, cho thấy, khả năng cung ứng vốn của khu vực tài chính đối với nền kinh tế của Việt Nam ở mức 1,8 lần GDP, thấp hơn so với các nước trong khu vực (Singapore: 4 lần, Malaysia: 3,7 lần, Thái Lan và Trung Quốc: 3,3 lần…). Hơn thế nguồn tài chính cho nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng đã chiếm tới 1,33/1,8 lần (cao gấp 1,3 lần con số được khuyến cáo với các nước đang phát triển và trong khối ASEAN).

Trong khi đó thị trường chứng khoán (TTCK) hiện vẫn chưa xứng với vai trò của mình. Theo số liệu thống kê từ nhiều nguồn dữ liệu, từ năm 2014 đến năm 2019, tổng khối lượng huy động vốn qua TTCK của các DN niêm yết, đăng ký giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán đạt khoảng 407 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng cổ phiếu phát hành thêm không bao gồm trả cổ tức bằng cổ phiếu khoảng 273 nghìn tỷ đồng; tổng khối lượng trái phiếu phát hành không bao gồm trái phiếu chuyển đổi của các tổ chức niêm yết khoảng 234 nghìn tỷ đồng). “Mặc dù đây là một con số không hề nhỏ, tuy nhiên nếu so với tổng dư nợ cho vay tăng thêm của các NHTM trong giai đoạn này (khoảng 4,23 triệu tỷ đồng) thì TTCK Việt Nam vẫn chưa xứng tầm của một trong những kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế, góp phần không nhỏ vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia”, ông Khổng Phan Đức – Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ VietinBank phân tích.

Trong khi đó, ông Khổng Phan Đức chỉ ra nhiều hình thái KTCS đã hoạt động bám rễ từ lâu, nhưng do chưa được thừa nhận và khuyến khích của luật pháp nên cách thức làm đang ẩn danh dưới nhiều hình thức. Như đã có một số nhóm môi giới có năng lực và quan hệ mật thiết với các NĐT, tận dụng nền tảng giao dịch (hệ thống hạ tầng CNTT, giấy phép, hệ thống thanh toán bù trừ chứng khoán và tiền giao dịch…) của các CTCK để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hợp tác này mang lại lợi ích cho cả hai bên, CTCK được thị phần, doanh số và lợi nhuận, còn nhóm môi giới kỹ năng cao có thu nhập vượt trội so với việc họ chỉ làm nhân viên đơn thuần.

Hay như để cạnh tranh giữ tiền ở lại với TTCK, các CTCK đưa ra chính sách hấp dẫn NĐT đó là ngay lập tức hoán chuyển tiền bán cổ phiếu sang thành đầu tư các loại sản phẩm chứng khoán thu nhập cố định như trái phiếu DN hay chứng chỉ quỹ, hoặc thậm chí có những giao thức giúp đẩy tiền của NĐT này cho NĐT khác vay margin…

Đã đến lúc “phát lộ” tài chính chia sẻ

“Đã đến lúc chúng ta đưa các hoạt động tài chính chia sẻ đang triển khai một cách đầy vất vả này ra ánh sáng, vừa giúp cho nó phát triển một cách đầy đủ, đúng mực và có kiểm soát”, ông Khổng Phan Đức đặt vấn đề. Là một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán, ông Đức ước mơ một ngày nào đó, quy định luật pháp cho phép các mô hình quỹ tương hỗ, quỹ đầu cơ hay quỹ ETF hoặc các công ty đầu tư chứng khoán được sử dụng đòn bẩy tài chính từ thị trường tài chính, khi đó tiền nhàn rỗi cuối ngày của một hộ gia đình sau một cái bấm nút sẽ nhanh chóng chuyển thành khoản đầu tư vào chứng chỉ quỹ đại diện cho một danh mục cổ phiếu hay trái phiếu; hoặc đầu tư cho 1 dự án điện gió ngoài khơi, thậm chí dự án đầu tư đó là 1 dự án mạo hiểm được thẩm định và hỗ trợ xây dựng chiến lược sản xuất – tiêu thụ bởi một tổ chức danh tiếng. “Đó là khi tiềm lực tài chính của đất nước được vận dụng tối đa vào thúc đẩy phát triển kinh tế, thay vì nó nằm chơi nhàn rỗi ở một nơi nào đó”, ông Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên để phát triển thị trường tài chính chia sẻ, ông Đức kiến nghị, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng về nền tảng kinh doanh của KTCS, tài chính chia sẻ, trong đó phân tách rõ đơn vị quản lý ở cấp Chính phủ đối với từng hoạt động cụ thể thay vì tập trung xây dựng luật quản trị từng DN. Khung pháp lý cần xem xét các điều kiện liên quan đến việc phát hành và đặc biệt là thị trường giao dịch đối với các loại chứng khoán để huy động vốn, giúp DN tăng điều kiện tiếp cận vốn trong những giai đoạn hệ số rủi ro tăng vì làm dự án mới, hoặc yêu cầu tái cơ cấu, hoặc vực dậy DN. Đồng thời, sớm ban hành quy chế cho hoạt động huy động vốn cộng đồng cho các dự án khởi nghiệp.

Ông Đức cũng đề xuất mở ra khung pháp lý cho các loại hình quỹ được tiếp cận đòn bẩy tài chính, một mặt giúp NĐT nắm giữ chứng chỉ quỹ có cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua đòn bẩy tài chính; đồng thời giúp các NĐT muốn một hệ số rủi ro thấp có cơ hội đẩy vốn vào thị trường tài chính thông qua việc cho các quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán vay… Bên cạnh đó, cần có chính sách thuế hỗ trợ hoạt động KTCS với việc xem xét vấn đề thuế đối với quỹ đầu tư chứng khoán…

Tuy nhiên đối với các đơn vị làm nền tảng cho hoạt động KTCS thường nắm luôn cả phần trung gian thanh toán, cần có quy định giám sát chặt chẽ, tránh đổ vỡ dây chuyền.

Nguồn: Nhất Thanh – Thời báo ngân hàng

Share this post