Mobile Money – cú hích góp phần vào chuyển đổi số quốc gia

Mobile Money – cú hích góp phần vào chuyển đổi số quốc gia

Với Mobile Money (tiền di động), người dân không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể thanh toán điện tử. Cuộc đua khốc liệt trong mảng thanh toán ở Việt Nam đón chào tân binh mới đến từ các nhà mạng viễn thông. Dù là “người đến sau” nhưng với tiềm lực lớn, sự góp mặt của các nhà mạng hứa hẹn sẽ giúp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Mobile Money góp phần thúc đẩy Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Nhà mạng chạy đua xin thí điểm Mobile Money

Các nhà mạng như Viettel, MobiFone, VinaPhone đều đã có những sự chuẩn bị sẵn sàng để “nhảy vào” lĩnh vực “béo bở” là mảng thanh toán vốn lâu nay là cuộc chơi của các NH và công ty fintech. Nói là “béo bở” là bởi việc tham gia vào thị trường thanh toán sẽ hứa hẹn đem lại nguồn doanh thu mới trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống hiện đã bão hòa.

Infographics_Mobile_

Sự xuất hiện của các đối thủ mới trên thị trường thanh toán có thể làm miếng bánh thị phần ở Việt Nam bị chia sẻ mạnh mẽ hơn nữa.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV – nhận định khi Mobile Money chính thức được triển khai sẽ gia tăng cạnh tranh giữa Mobile Money và các mô hình ví điện tử và ngân hàng. Tuy nhiên, việc cạnh tranh này là lành mạnh và cần thiết.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám Đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel cho biết “Với mục tiêu ở đâu có sóng viễn thông, tại đó sẽ được triển khai các dịch vụ số và Mobile Money. Tập đoàn Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel”.

Đại diện MobiFone cho biết đã sẵn sàng các điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách ở mức cao nhất.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết “Các doanh nghiệp viễn thông cần khẩn trương xây dựng Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. NHNN sẽ là đầu mối xem xét, thẩm định.

Sau khi nhận hồ sơ, ba bộ là NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ thẩm định các nội dung. Nếu hồ sơ được chuẩn bị đầy đủ, dịch vụ Mobile Money sẽ sớm được triển khai”.

Kỳ vọng bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Kim Anh – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết, có hai lợi ích lớn nhất của Mobile Money.

Thứ nhất: Góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; mở rộng thêm kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động; mang lại tiện ích cho người sử dụng; tiết giảm chi phí…

Thứ hai: Giáo dục, phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người sử dụng sẽ dần quen với sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán.

Ở Việt Nam, tổng số thuê bao điện thoại di động hiện nay là khoảng 124,8 triệu thuê bao. Các chuyên gia kỳ vọng việc cấp phép triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm sẽ tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, y tế, giáo dục, dịch vụ công, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Các chuyên gia dự báo, Mobile Money sẽ đem lại công nghệ thanh toán vượt xa những cách thức hiện tại, tạo ra bước ngoặt cho tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện Việt Nam có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng lại là những khách hàng khó tiếp cận nhất với ngân hàng và tổ chức tài chính.

Đây cũng là nhóm đối tượng cần tới tài chính toàn diện, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Mobile Money nhắm vào thị trường ngách là phân khúc nhỏ lẻ mà các ngân hàng chưa phủ sóng đến được. Vì vậy, Mobile Money mang tính bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh với các ngân hàng, cùng tạo lập thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy nhanh tài chính toàn diện” – TS Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh.

Tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền, trốn thuế, đánh bạc

Bên cạnh nhiều lợi ích mang lại khi áp dụng Mobile Money, vẫn còn nhiều vấn đề cần chú ý. Các chuyên gia cảnh báo về những rủi ro về bảo mật, gian lận, rửa tiền, đánh bạc… cần các nhà mạng viễn thông lưu tâm.

Sim rác là bài toán nan giải với các nhà mạng khi triển khai Mobile Money. “Nếu việc định danh khách hàng, quản lý SIM rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ, Mobile Money có thể là kênh để rửa giao dịch, ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền”, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV nhận định.

Một loạt vụ án lớn trước đó như Bộ Công an phát hiện đường dây đánh bạc 20.000 tỉ đồng sử dụng thẻ cào điện thoại (đầu tháng 5.2020). Năm 2017, đường dây đánh bạc 10.000 tỉ đồng có sử dụng thẻ cào điện thoại cũng đã bị phanh phui. Tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động của Mobile Money là điều đáng lưu tâm, đòi hỏi phải có cơ chế cấp phép và quản lý loại tiền di động này phù hợp.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, số tiền giao dịch với mỗi tài khoản Mobile Money không lớn, nhưng nếu khoảng 30% số người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng sử dụng Mobile Money, thì dòng tiền lưu thông qua dịch vụ Mobile Money có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng đến vài chục nghìn tỉ đồng/tháng. Vì thế, ông Hiếu cho rằng cần có những công cụ giám sát chặt chẽ, đảm bảo các hãng viễn thông không sử dụng tiền từ tài khoản Mobile Money cho các mục đích khác, hay đầu tư sai mục đích.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản khách hàng bằng cách quy định phải luôn có mã xác thực, mã PIN hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại. Giải pháp này nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch. Ngoài ra, người sử dụng cũng cần nâng cao ý thức và hành động để bảo mật, hiểu về quyền và thủ tục khiếu nại để giải quyết hiệu quả khi rủi ro xảy ra.

“Cần hoàn thiện công tác định danh khách hàng với các quy định về xác minh; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã công dân. Các DN viễn thông nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh khách hàng, kiểm soát sim rác…” – TS Cấn Văn Lực cho biết.

Nguồn: Hương Nguyễn – Báo điện tử Lao động

Share this post