Mobile Money nên hướng về nông thôn
Hiện tại thị trường nông thôn, không ít người dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Đây sẽ là thị trường rộng lớn cho các nhà mạng phát triển dịch vụ thanh toán Mobile Money khi sóng 3G/4G đã phủ rộng đến cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi mà các ngân hàng không thể vươn tới.
Chính phủ đã cho phép cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Đây là một trong những nội dung trong Nghị quyết 84/2020/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có hiệu lực từ ngày ký.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt cũng định nghĩa, tiền di động (Mobile Money) là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Theo giới chuyên môn, do Mobile Money tận dụng hạ tầng viễn thông nên giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ thanh toán. Bên cạnh đó, thị trường sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Hơn nữa, Mobile-Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Qua đó góp phần phổ cập tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện. Với những lợi thế này, Mobile Money có thể thâm nhập thị trường nông thôn và số hóa chuỗi giá trị nông nghiệp. Bởi lẽ, không cần tài khoản ngân hàng, không có internet, người dân vẫn có thể tiếp nhận hình thức thanh toán mới mẻ này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để hoạt động thí điểm thanh toán Mobile Money đạt hiệu quả an toàn trước hết các nhà mạng viễn thông phải giải quyết được vấn đề định danh khách hàng bởi có thể sẽ có các hành vi mạo danh khách hàng trong việc mở và sử dụng Mobile Money để thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận.
Tuy nhiên việc xác thực khách hàng sẽ khó có thể đảm bảo sự chính xác nếu như tình trạng SIM rác và việc mua bán SIM kích hoạt sẵn vẫn còn khá phổ biến như hiện nay. Theo số liệu thống kê của các nhà mạng ở Việt Nam đến nay vẫn có đến 35% SIM rác không xác định được chính chủ đang được phân phối và lưu hành ngoài xã hội. Bởi vậy, việc làm đầu tiên là phải siết chặt việc sở hữu SIM điện thoại tương tự như vấn đề mở thẻ ngân hàng. Theo đó, một người có thể được sở hữu nhiều SIM điện thoại tùy theo nhu cầu của mình, nhưng phải “chính chủ” và khi không có nhu cầu sử dụng nữa phải báo cho các nhà mạng để hủy bỏ.
Thứ hai là phải ngăn chặn được hành vi lợi dụng hình thức thanh toán này cho các giao dịch bất hợp pháp như cờ bạc, cá độ… cũng như đảm bảo mục tiêu phòng, chống rửa tiền. Theo giới chuyên môn, để giảm thiểu rủi ro nói trên, cần phải khống chế giá trị thanh toán qua Mobile Money tương tự như với ví điện tử. Thậm chí, nên khống chế ở mức thấp hơn do mục tiêu của Mobile Money là để thanh toán các khoản nhỏ lẻ và phục vụ các đối tượng người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng.
Một vấn đề vô cùng quan trọng nữa là phải có quy định để đảm bảo các doanh nghiêp viễn thông tuân thủ nghiêm nguyên tắc 1:1 để không làm phát sinh lượng tiền tệ, gây khó cho công tác điều hành chính sách tiền tệ.
Cuối cùng cần phải có các quy định liên quan đến an toàn, bảo mật, đặc biệt là với thông tin cá nhân của khách hàng; đồng thời cũng cần có các quy định bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng.
Kinh nghiệm quốc tế, tài khoản viễn thông sử dụng vào mục đích thanh toán cho đến nay chủ yếu phát triển ở các nước châu Phi chưa có hạ tầng tài chính phát triển như các nền tài chính hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, EU, Mỹ…
Ở Việt Nam hiện nay, các sản phẩm ví điện tử đang cung cấp các khoản thanh toán nhỏ lẻ rất phát triển. Theo Vụ Thanh toán NHNN, tính đến thời điểm này có 32 công ty trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động đang cung cấp ra thị trường 29 sản phẩm ví điện tử. Nhưng có 5 ví điện tử đang chiếm tới 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch, xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp gồm: Payoo, MoMo, AirPay, MoCa, FPT. Bên cạnh đó nhiều ví điện tử sinh ra thời gian qua sống rất èo uột do chỉ phục vụ mạng lưới thanh toán nội bộ không tạo ra được một hệ sinh thái kết nối thanh toán với các hàng hóa dịch vụ khác bên ngoài, trong đó có thể kể đến ví điện tử Viettel, Vinaphone…
Nhưng các ví điện tử hiện chủ yếu tập trung vào phân khúc khách hàng ở các đô thị lớn, nơi có nhiều nhà cung ứng sản phẩm hàng hóa dịch vụ chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Đặc biệt, với môi trường internet Việt Nam phổ cập với chi phí thấp nhất so với các nước Đông Nam Á hiện nay, người dùng đô thị sử dụng thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng giao dịch trên mobile banking, internet banking… giao dịch rất lớn.
Tuy nhiên hiện tại thị trường nông thôn, không ít người dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Đây sẽ là thị trường rộng lớn cho các nhà mạng phát triển dịch vụ thanh toán Mobile Money khi sóng 3G/4G đã phủ rộng đến cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo, miền núi mà các ngân hàng không thể vươn tới.
Phát triển Mobile Money về các vùng nông thôn một thị trường rộng lớn với các món nhỏ lẻ chưa có nhiều tổ chức tín dụng khai phá sẽ là cơ hội cho các nhà mạng thí điểm và cũng nằm trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ về một xã hội không dùng tiền mặt.
Nguồn Hải Ninh – Thời báo ngân hàng