Mobile Money sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
NHNN dự kiến cấp phép thí điểm Mobile Money cho Viettel, VNPT, MobiFone trong tháng 10. Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số đánh giá, khi Mobile Money đi vào hoạt động sẽ tác động tích cực đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Ông đánh giá thế nào khi Mobile Money đi vào cuộc sống?
Chúng ta thấy rõ khi sử dụng dịch vụ này, sẽ mang lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Người dân tiết kiệm được cả thời gian, chi phí đi lại; các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán để thanh toán tiền điện, nước, hoặc có thể chuyển tiền có giá trị nhỏ ở mọi lúc mọi nơi, 24/7 mà không phải mở tài khoản ngân hàng. Nhất là đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa đi lại không thuận tiện, Mobile Money sẽ hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Còn với các nhà cung cấp dịch vụ có tính chất đại chúng trước đây mất chi phí cho công ty nhờ thu – trả tiền điện, nước… sẽ cắt giảm được chi phí đó.
Theo tôi khi Mobile Money được cấp phép hoạt động không chỉ là nhân tố thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà còn phổ cập tài chính toàn diện cho người dân vì tính thuận tiện của nó. Người dùng có thể dùng số tiền có sẵn trong tài khoản của điện thoại để thanh toán ngay mà không cần phải mở tài khoản ngân hàng hay sở hữu ví điện tử. Cơ hội phát triển dịch vụ này rất lớn khi mà người dân, đặc biệt là lớp trẻ đều sử dụng smart phone nên số người sử dụng Mobile Money chắc chắn sẽ là rất lớn. Việc cho phép Mobile Money là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Vậy theo ông, các nhà mạng đã sẵn sàng để triển khai thí điểm dịch vụ này đảm bảo an toàn cho cả nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ?
Theo tôi được biết, các nhà mạng lớn như Viettel, Mobile Phone, Vinaphone đã đáp ứng được các điều kiện để đưa Mobile Money đi vào hoạt động phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Sở dĩ quyết định cấp phép thí điểm Mobile Money chậm hơn một chút so với kỳ vọng thị trường, bởi đây là dịch vụ rất mới mẻ cần có thời gian thử nghiệm để chứng minh an toàn mới được phép sử dụng.
Cụ thể đối với Mobile Money phải đảm bảo an toàn, bảo mật giảm thiểu rủi ro thanh toán. Ngoài công nghệ bảo mật, vấn đề hành lang pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng cho sự vận hành của dịch vụ mới này. Chẳng hạn, vấn đề thông tin của khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ cần phải cam kết đúng quy định. Thông tin khách hàng chỉ được sử dụng trong lĩnh vực thanh toán, hoặc lĩnh vực được phép chứ không được sử dụng toàn bộ thông tin cá nhân đấy ở bất cứ dịch vụ nào.
Để thử nghiệm về mặt công nghệ cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý cho dịch vụ mới phải mất thời gian và phải đảm bảo hội tụ đầy đủ các yếu tố đó mới chính thức cấp phép được. Vấn đề thử nghiệm đặt ra đối với mọi lĩnh vực, nhất là liên quan đến tài chính sự thận trọng là cần thiết. Như chúng ta biết, trước đó các ví điện tử thời kỳ đầu mới chỉ thí điểm cấp phép cho một đến hai đơn vị. Sau một thời gian hoạt động đảm bảo các yếu tố an toàn hiệu quả, thì số lượng các ví điện tử được cấp phép nhiều hơn và phát triển mạnh mẽ hơn. Số ví điện tử lên tới 2 con số.
Theo ông, Mobile Money có làm tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường thanh toán?
Điều đó chắc chắn là có. Song theo tôi, điều quan trọng ở đây là khi có càng nhiều đơn vị tham gia vào thị trường sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh, người dân sẽ được hưởng lợi, có thêm nhiều lựa chọn các dịch vụ tiện ích. Ở góc độ vĩ mô, các dịch vụ này sẽ thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thành cú huých mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Hà Thành – Thời báo ngân hàng