Ngăn chặn ngân hàng “xé rào” lãi suất

Ngăn chặn ngân hàng “xé rào” lãi suất

Ngăn chặn ngân hàng “xé rào” lãi suất

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động năm 2016 sẽ chịu nhiều áp lực nên khó có thể điều chỉnh giảm

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động năm 2016 sẽ chịu nhiều áp lực nên khó có thể điều chỉnh giảm

Để chuẩn bị nguồn vốn, giữ chân khách hàng, các ngân hàng thương mại đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi. Đây là niềm vui của những người có tiền nhàn rỗi gửi tại ngân hàng, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc tăng khuyến mãi có thể khiến chi phí hoạt động tăng lên, kéo theo những ảnh hưởng không tốt tới mặt bằng lãi suất.

Ngăn cạnh tranh thiếu lành mạnh

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tháng 12-2015, tính chung toàn hệ thống tổ chức tín dụng có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn 0,1-0,5%/năm và 2 ngân hàng giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng chủ yếu do yếu tố mùa vụ, mang tính chất tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp giáp Tết.

Sau điều chỉnh, lãi suất các ngân hàng này vẫn nằm trong vùng trung bình so với mặt bằng chung (khoảng 5-5,3%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và 6,4-7,0%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng). Do đó, nếu tính trung bình toàn hệ thống, lãi suất huy động bình quân gia quyền trong tháng 12-2015 ở mức 5,1%/năm, chỉ cao hơn 0,06%/năm so với tháng trước.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh huy động vốn gắn với việc triển khai các chương trình khuyến mãi, tặng quà, tặng lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay, giá dịch vụ hoặc giao dịch khác với cùng khách hàng và người có liên quan của khách hàng có khả năng làm tăng chi phí hoạt động, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh.

Để đảm bảo tuân thủ các quy định, an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất huy động theo các văn bản đã được ban hành. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Thống đốc cũng yêu cầu các thành viên chủ động phát hiện và báo cáo về Ngân hàng Nhà nước những tổ chức tín dụng cạnh tranh không lành mạnh vi phạm quy định về mức lãi suất huy động. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình khuyến mãi trong huy động vốn, cho vay đúng quy định của pháp luật và tiết giảm tối đa các chi phí quảng cáo, khuyến mãi, chăm sóc khách hàng để đảm bảo kinh doanh hiệu quả.

Áp lực với lãi suất cho vay

Theo cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, mặc dù lãi suất vẫn đang ổn định, song việc giảm lãi suất cho vay vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào cân đối của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, nhiều dự báo cho rằng lãi suất sẽ khó giảm xuống, vì năm 2016 lạm phát tăng, làm tăng kỳ vọng đối với lãi suất huy động. Bên cạnh đó, cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng do kinh tế phục hồi, trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ không giảm. Do đó, để đảm bảo thanh khoản, lãi suất huy động khó có khả năng đi xuống, điều này cũng khiến lãi suất cho vay không thể giảm theo.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng: “Trong làn sóng tăng lãi suất huy động gần đây, sẽ có 2 nhóm khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng. Với nhóm khách hàng có chất lượng tốt, ngân hàng sẽ không tăng lãi suất cho vay do phải cạnh tranh để giữ thị phần. Nhưng với nhóm khách hàng có độ rủi ro cao hơn, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất để bù đắp rủi ro”.

Tại Báo cáo triển vọng năm 2016, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo mặt bằng lãi suất năm 2016 sẽ tăng thêm 0,6-1%/năm. Cụ thể có 3 lý do khiến lãi suất tăng, một là tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các ngân  hàng phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016.

Thứ hai, lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5-7% cho giai đoạn 2016-2020 và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến điều chỉnh tăng lãi suất trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.

Do đó, việc chấn chỉnh tình trạng huy động vượt trần được xem là biện pháp ngăn chặn từ xa làm giảm áp lực đối với lãi suất cho vay. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay là cơ hội rất tốt để bỏ trần lãi suất. Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV-2015 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn dưới 1 tháng để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.

( trích anninhthudo)

Share this post