Thanh toán không tiền mặt giảm nguy cơ Covid-19

Thanh toán không tiền mặt giảm nguy cơ Covid-19

Hiện các ngân hàng đang tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu hạn chế tiếp xúc trực tiếp để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Đơn cử VietinBank vừa thông báo miễn phí toàn bộ các giao dịch chuyển tiền, phí chi lương, phí nộp ngân sách nhà nước, phí đăng ký, duy trì người dùng trên ứng dụng eFAST của ngân hàng này.

Trong khi Vietcombank cũng đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi lớn như Chương trình “0 phí chuyển tiền – Trúng liền iPhone” dành cho khách hàng đăng ký lần đầu các Gói tài khoản bao gồm: VCB Eco, VCB Plus, VCB Pro và VCB Advanced…

Thanh toán không dùng tiền mặt càng có cơ hội phát triển bùng nổ khi mà mới đây Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) và 14 ngân hàng thành viên đã cho ra thương hiệu VietQR và triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã VietQR.

VietQR là nhận diện thương hiệu chung dành cho các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR được xử lý qua mạng lưới NAPAS và các ngân hàng thành viên, các trung gian thanh toán, các đối tác thanh toán trong và ngoài nước. VietQR tuân thủ tiêu chuẩn thanh toán QR của EMV Co. và bộ Tiêu chuẩn cơ sở cho mã QR do NHNN ban hành tại Quyết định số 1928/QĐ-NHNN. VietQR được NAPAS cùng các ngân hàng thống nhất triển khai nhằm đảm bảo tính liên thông và đồng bộ của hạ tầng thanh toán qua QR Code trong lãnh thổ Việt Nam, là cơ sở để mở rộng liên kết thanh toán quốc tế.

Ông Ngô Quang Trung – Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, một thành viên của Napas247 cho biết, một chuẩn QR quốc gia là điều kiện rất tốt để ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán phát triển tiện ích QR một cách sâu rộng. Việc toàn bộ các thành viên tham gia hệ thống thanh toán có chung một tiêu chuẩn kỹ thuật khi phát triển tiện ích này cho người dân và doanh nghiệp sử dụng. Nhờ đó, các tổ chức trung gian thanh toán sẽ thuận lợi hơn khi phát triển tiện ích thanh toán cho người dùng, tạo điều kiện thu hút mạnh hơn, hấp dẫn hơn khi thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, dịch vụ Chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã VietQR cho phép khách hàng chuyển tiền từ tài khoản của mình tới tài khoản tại một ngân hàng khác trong mạng lưới của Napas theo phương thức chuyển tiền nhanh thực hiện theo thời gian thực (24 giờ trên/ngày và 7 ngày/tuần) với hạn mức tối đa của một giao dịch là dưới 500 triệu đồng thông qua hình thức quét mã QR thanh toán của cá nhân.

Mã QR thanh toán của mỗi cá nhân là thông tin thanh toán đã được mã hóa gồm Số tài khoản, Mã hiệu ngân hàng, Số tiền, Nội dung thanh toán, Thông tin đơn hàng và các thông tin liên quan khác (nếu có) giúp việc khởi tạo lệnh thanh toán được thực hiện chính xác, nhanh chóng và an toàn.

Với phương thức thanh toán mới này, NAPAS và các Ngân hàng thành viên hướng tới việc tiếp tục cung cấp cho khách hàng những tiện ích mới trong chuyển tiền và thanh toán không tiếp xúc nhằm gia tăng trải nghiệm người dùng, hạn chế lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 như hiện nay.

Không chỉ ngân hàng miễn phí chuyển tiền và thanh toán, các ví điện tử cũng gia tăng khuyến mãi cho người dùng thanh toán điện tử. Theo đó, giới trẻ chuyển tiền miễn phí từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản ví điện tử để săn khuyến mãi thanh toán các món hàng có giá trị nhỏ như mua vé xem phim, trả tiền cà phê…

Không chỉ giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, theo các chuyên gia, thanh toán không tiền mặt phát triển cũng giúp các tổ chức tín dụng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, giảm được chi phí vốn đầu vào, từ đó có thêm điều kiện để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.

Theo số liệu của NHNN Việt Nam, tính đến 31/3/2021 số dư tiền tài khoản thanh toán cá nhân toàn hệ thống ngân hàng đạt khoảng 741.378 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cuối năm 2020. Số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm qua, tăng mạnh nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Số tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động trong ngân hàng dưới dạng dịch vụ thẻ, thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Cũng theo NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 4/2021, số lượng giao dịch qua kênh internet đạt 213,51 triệu món, tương đương với giá trị 11,03 triệu tỷ đồng, tăng 65,9% về số lượng, 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 86,3% về số lượng, 123,1% về giá trị. Giao dịch qua kênh QR Code tăng 95,7% về số lượng, 181,5% về giá trị.

Nguồn: Hải Nam – Thời báo ngân hàng

Share this post