Dồi dào nguồn vốn vay cuối năm

Dồi dào nguồn vốn vay cuối năm

Với mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây cộng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các gói vay ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, khả năng trong mùa Tết Nguyên đán 2021 sẽ có hàng trăm ngàn tỷ đồng được hệ thống NHTM rót vào các lĩnh vực ưu tiên, thiết yếu để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của cộng đồng DN.

Ghi nhận tại Cần Thơ, ông Trần Quốc Hà – Giám đốc NHNN chi nhánh tại địa phương cho biết, tính đến cuối tháng 10/2020, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn đạt khoảng 7,76% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng dành cho DN thuộc 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đều có sự tăng trưởng rất tích cực. Cụ thể, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 27,28%, cho vay hỗ trợ DNNVV tăng 22,62%, cho vay xuất khẩu tăng 13,08%, cho vay nuôi trồng thu mua chế biến thủy sản tăng 9,13%…

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng gần đây, NHNN chi nhánh Cần Thơ dự báo, khả năng đến cuối năm 2020 mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn sẽ đạt mức 10%, tương đương khoảng 99.800 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa rằng trong các tháng cuối năm sẽ có khoảng gần 1.400 tỷ đồng được các TCTD cho vay ra thị trường.

Không chỉ ở Cần Thơ, tại nhiều địa phương khác hoạt động kích cầu vốn tín dụng các tháng cuối năm cũng được hệ thống TCTD thúc đẩy khá mạnh mẽ.

Chẳng hạn, tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các NHTM đều đã áp dụng các mức lãi suất thấp nhất để cho vay DN các nhóm lĩnh vực ưu tiên. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM những tháng vừa qua, Ban quản lý Khu chế xuất-Khu công nghiệp TP.HCM đã tiến hành khảo sát nhu cầu vay vốn cuối năm và chuyển thông tin nhu cầu vay này đến các NHTM (thông qua các chương trình kết nối giữa ngân hàng với các DN tại khu chế xuất, khu công nghiệp) với nhu cầu vay khoảng trên 352.500 tỷ đồng. Tại Đồng Nai và Bình Dương, đại diện các ngân hàng như Viecombank, BIDV cho biết, các đơn vị đều đang triển khai đẩy mạnh cho vay kinh doanh và cho vay tiêu dùng. Dư nợ cho vay tiêu dùng, vay vốn lưu động phục vụ kinh doanh cuối năm đều có mức tăng trưởng hai con số.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, hiện nay không chỉ hạ thấp các mức lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các NHTM cũng đã tập trung vào các chương trình sản phẩm mới để kích cầu tín dụng.

Phía Agribank, đầu tháng 12 vừa qua đã tung ra gói vay lớn trị giá 7.000 tỷ đồng và 150 triệu USD để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm. Mức lãi suất Agribank đưa ra cực kỳ hấp dẫn (chỉ từ 3,7%-4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 6,5-7%/năm đối với cho vay trung, dài hạn).

Các NHTM khác như Techcombank, HDBank, OCB… ngoài việc đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất thì cũng đã tăng cường tập trung vốn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối sản phẩm. Chẳng hạn, Techcombank trong tháng vừa qua đã bắt tay với hệ thống VinShop để cung ứng sản phẩm cho vay ứng trước đối với các tiệm tạp hóa với hạn mức 70 triệu và miễn lãi 40 ngày để nhập hàng cho mùa Tết. Phía OCB đồng loạt hợp tác với các tập đoàn lớn như Vinamilk và Nutifood để triển khai chương trình tài trợ vốn cho các nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh này. Trong khi đó, HDBank và VPBank vẫn tiếp tục hợp tác với CTCP chăn nuôi C.P để rót vốn vào các chuỗi chăn nuôi, chế biến thịt heo và tôm công nghệ cao tại Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long…

Ở quy mô cả nước, theo số liệu thống kê đến 27/11, tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019. Các lĩnh vực ưu tiên cho vay như nông nghiệp, nông thôn, DNNVV đều có mức tăng trưởng khá, từ 6,5-8,2%. Các lĩnh vực có nhiều DNNVV hoạt động như bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống… đều tăng từ 8-10%. Điều này cho thấy, trong các tháng còn lại của năm 2020 nếu các gói vay ưu đãi và các sản phẩm tài trợ vốn theo chuỗi giá trị của các NHTM phát huy tác dụng thì nhiều khả năng sẽ có thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng được rót vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh với các mức lãi suất hợp lý và được xem là thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

Nguồn: Thạch Bình – Thời báo ngân hàng

Share this post