Ngân hàng chạy đua tìm khách vay
Ngân hàng chạy đua tìm khách vay
Thị trường vừa ghi nhận thêm một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó có sự vào cuộc của ngân hàng được cho là có mức huy động thấp nhất trong hệ thống như Vietcombank. Vì sao các ngân hàng đua nhau hút vốn? Cuộc chạy đua này có làm gia tăng lãi suất cho vay?
Tung chương trình khác biệt
Chưa có thống kê mức tăng trưởng tín dụng đến thời điểm hiện nay nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống trong tháng 1-2016 giảm 0,2% so với cuối năm 2015. Tăng trưởng tín dụng tháng 2 và tháng 3 nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở mức âm hoặc chỉ tăng rất thấp. Vậy nhưng, ngay từ quý đầu năm, lãi suất huy động các kỳ hạn đã được nhiều ngân hàng đẩy lên, kèm theo đó là cuộc chạy đua tìm khách hàng vay.
Ngân hàng ABBANK đầu tháng 3 này triển khai chương trình “ABBANK đồng hành phát triển cùng nhà thầu điện lực”, nhằm áp dụng những chính sách ưu đãi riêng cùng sự hỗ trợ tối đa về thủ tục, hồ sơ dành cho nhóm khách hàng này. Không chỉ ưu đãi về lãi suất và phí bảo lãnh, ABBANK còn thiết kế thành từng gói sản phẩm cho vay tài trợ nhà thầu điện lực có khoản vay nhỏ, tài trợ nhà thầu điện lực cung cấp nguyên liệu vật tư cho EVN, tài trợ nhà thầu điện lực tiềm năng và tài trợ dự án trọn gói cho nhà thầu điện lực.
Với gói cho vay này, ABBANK đặt mục tiêu năm 2016 doanh số phát vay đạt 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng ACB lại nhắm vào nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu mua, xây dựng, sửa chữa nhà, đất làm địa điểm sản xuất kinh doanh hay mở rộng trụ sở kinh doanh, với gói cho vay “Cơ ngơi bền vững” (lãi suất chỉ từ 8%/năm, miễn thanh toán vốn vay trong năm đầu; phương thức trả nợ linh hoạt…).
Cũng để đẩy mạnh cho vay những tháng đầu năm, Vietbank triển khai hàng loạt các gói cho vay ưu đãi, với lãi suất cho vay giảm 0,09%/năm, thời gian ưu đãi lên đến 12 tháng. Khách hàng còn được lựa chọn kỳ hạn cố định lãi suất ưu đãi 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, thủ tục xét duyệt vay và xử lý hồ sơ chỉ trong 24 giờ…
Lãi suất cho vay khó giảm
Thực tế sau đợt chạy đua tăng lãi suất tiết kiệm đầu năm nay, mặt bằng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài đã nhích thêm 0,3% – 0,5%/năm so với trước đây, nhiều ngân hàng cho biết đã có sự chuyển dịch tiền gửi từ 1 – 3 tháng sang kỳ hạn dài hơn nhưng dài nhất vẫn ở kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn thời gian qua khá cao, nên các ngân hàng muốn cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn, nhất là khi Thông tư 36 của ngân hàng nhà nước dự kiến điều chỉnh tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về còn 40%.
Việc thị trường phản ứng với chính sách cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đầu vào khiến người đi vay lo ngại sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Bởi lẽ, các ngân hàng thường ấn định lãi suất cho vay tham chiếu từ lãi suất huy động cộng với biên độ giao động ở mức 3% – 3,5%.
Về việc này, ông Từ Tiến Phát, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho rằng, trong bối cảnh các ngân hàng luôn “săn” DN tốt để cho vay, nên khó mà nhích lãi suất lên ngay cả khi chi phí vốn có tăng. Lãnh đạo khối cho vay cá nhân ngân hàng Eximbank cho biết, năm qua ngân hàng này cho vay cá nhân nhiều hơn cho vay DN, trong đó, cho vay mua nhà chiếm 40% trong phân khúc này. “Tăng lãi suất là con dao 2 lưỡi bởi đối tượng khách hàng của ngân hàng cho vay mua nhà là nhu cầu thực, trả tiền vay bằng lương. Nếu lãi suất tăng sẽ gây áp lực lên việc trả nợ, dễ chuyển qua nợ xấu”, vị này cho hay.
Các ngân hàng khác cũng cho rằng, nếu lãi suất đầu vào tăng mạnh, trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong bối cảnh “sức khỏe” của nền kinh tế hiện nay chưa thực sự vững mạnh để chấp nhận mặt bằng lãi suất cho vay cao, các ngân hàng sẽ giảm chi phí vận hành, giảm lợi nhuận để không tăng lãi suất, vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến cầu tín dụng. Về phía cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh TPHCM, cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2016 sẽ giữ ở mức ổn định chứ khó giảm thêm từ 0,1% – 0,3%/năm như kỳ vọng của DN.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cỡ trung tại TPHCM cho biết, do mặt bằng lãi suất huy động tăng dẫn đến nguồn vốn huy động trong mấy tháng đầu năm tại ngân hàng khá dồi dào. Bên cạnh việc tìm cách đẩy vốn ra thị trường bằng các chương trình ưu đãi, phần vốn dư thừa này ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc… để hưởng lãi suất, khi cần có thể bán bất cứ lúc nào. Vị này cũng thừa nhận, việc đẩy mạnh huy động một phần là để “nuôi” nợ xấu, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ này mới có thể cho vay.
(theo saigondautu)