Đề xuất quy định về cấp Giấy phép hoạt động của tổ chức tài chính vi mô
Đề xuất quy định về cấp Giấy phép hoạt động của tổ chức tài chính vi mô
Dự thảo Thông tư áp dụng đối với tổ chức tài chính vi mô; tổ chức có chương trình, dự án tài chính vi mô theo quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức phi chính phủ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc tham gia thành lập, cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tài chính vi mô.
Về thẩm quyền cấp Giấy phép, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, cấp Giấy phép theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định có liên quan của pháp luật.
Việc cấp Giấy phép phải đảm bảo nguyên tắc chung: Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định là 05 tỷ đồng hoặc mức khác do Chính phủ quy định; có chủ sở hữu, thành viên sáng lập, có người quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; có Điều lệ phù hợp với quy định; có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động. Có trụ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn tài sản và phù hợp với yêu cầu hoạt động ngân hàng.
Đối với tổ chức tài chính vi mô thành lập mới, trình tự cấp Giấy phép được quy định theo 2 bước, bao gồm: Bước 1- Chấp thuận nguyên tắc thành lập; Bước 2 – Cấp Giấy phép.
Quy định trình tự 2 bước cấp Giấy phép như tại dự thảo Thông tư tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các thành viên sáng lập khi thành lập tổ chức tài chính vi mô trong việc thực hiện các thủ tục cấp Giấy phép, tiết kiệm hơn về thời gian và chi phí, đảm bảo tính thống nhất trong quy trình cấp Giấy phép của các tổ chức tín dụng nói chung.
Đối với chương trình, dự án tài chính vi mô chuyển đổi, trình tự cấp Giấy phép được thực hiện theo một bước, giúp đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các chương trình, dự án tài chính vi mô.
Tổng dư nợ cho vay không được vượt quá 50 triệu đồng
Dự thảo nêu rõ, tổ chức tài chính vi mô được thực hiện các hoạt động theo nội dung ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện các hoạt động huy động vốn sau: Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới hình thức tiền gửi tự nguyện, tiết kiệm bắt buộc của khách hàng tài chính vi mô; nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm của tổ chức, cá nhân không phải khách hàng tài chính vi mô; vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, và các cá nhân, tổ chức khác trong nước và nước ngoài.
Tổ chức tài chính vi mô chỉ được thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các khách hàng của tổ chức tài chính vi mô để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống. Khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô có thể được bảo đảm bằng tiết kiệm bắt buộc, bảo lãnh của nhóm khách hàng tiết kiệm và vay vốn theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.
Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng tài chính vi mô không được vượt quá 50 triệu đồng.
Tổ chức tài chính vi mô được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại. Tổ chức tài chính vi mô không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.
Tổ chức tài chính vi mô được thực hiện một số hoạt động kinh doanh khác sau: Ủy thác, nhận ủy thác cho vay vốn; cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính vi mô; cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ và chuyển tiền cho khách hàng tài chính vi mô; làm đại lý cung ứng dịch vụ bảo hiểm.
(theo VCCI)
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và tổng hợp ý kiến của VMFWG tại đây.
Đóng góp ý kiến trực tiếp qua website của chinhphu.vn tại đây