Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Dương: Nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng

Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Dương: Nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng

Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Dương: Nhiều giải pháp tăng trưởng tín dụng

Mặc dù thời điểm đầu năm là rất khó khăn đối với các tổ chức tín dụng trong việc tăng trưởng tín dụng nhưng đối với Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Thụy Dương (Thái Thụy) do chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến hết ngày 30/4, tổng dư nợ cho vay của Quỹ đã đạt 119,042 tỷ đồng, tăng 3,65% so với thời điểm 31/12/2018.

Cơ sở sản xuất tăm tre Thanh Bình An Đông (thôn Lai Triều, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy) phát triển sản xuất nhờ một phần nguồn vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Dương.

Cơ sở sản xuất tăm tre Thanh Bình An Đông (thôn Lai Triều, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy) phát triển sản xuất nhờ một phần nguồn vốn của Quỹ Tín dụng nhân dân Thụy Dương.

Ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Quỹ TDND Thụy Dương cho biết: Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, một trong những giải pháp quan trọng được Quỹ quan tâm thực hiện đó là không ngừng phát triển thành viên. Ngay từ khi thành lập, Quỹ TDND Thụy Dương luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, mở rộng địa bàn hoạt động đồng thời tích cực cải tiến tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên. Chính vì thế, từ số thành viên ban đầu chỉ khoảng 70 người, hoạt động duy nhất trên địa bàn xã Thụy Dương thì sau 23 năm xây dựng và phát triển, đến ngày 30/4/2019, Quỹ TDND Thụy Dương đã mở rộng địa bàn hoạt động ra xã Thụy Phúc và xã Thụy Hưng với tổng số thành viên 2.230 người, tăng 23 thành viên so với thời điểm 31/12/2018, đạt 38,3% so với kế hoạch năm 2019. Cùng với đó, Quỹ còn duy trì có hiệu quả hoạt động của ban tín dụng. Căn cứ vào quy chế, điều lệ và các văn bản hướng dẫn, cán bộ tín dụng đã tập hợp các đơn đề nghị vay vốn đồng thời thực hiện thẩm định, kiểm tra, đánh giá phương án sản xuất, kinh doanh và tài sản thế chấp, trên cơ sở đó trình Ban Giám đốc xét duyệt cho vay. Đến nay, tất cả các món vay của Quỹ đều có sự thống nhất của các thành viên trong ban tín dụng. Để tạo thuận lợi cho các thành viên vay vốn, ngoài việc cắt giảm tối đa các thủ tục cần thiết, thời gian qua, Quỹ TDND Thụy Dương còn thực hiện điều chỉnh linh hoạt mức lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại từng thời điểm đồng thời công khai mức lãi suất tại trụ sở giao dịch để mọi người dân cùng biết.

Với đặc thù là những xã thuần nông, tiềm lực tài chính còn hạn chế nên thời gian qua, Quỹ luôn chú trọng đầu tư theo các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, trong đó đặc biệt ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 30/4/2019, Quỹ đã xét duyệt, tạo điều kiện cho gần 400 lượt thành viên vay vốn với doanh số cho vay đạt gần 50 tỷ đồng. Từ nguồn vốn đó, các thành viên của Quỹ đã có điều kiện đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh (máy cày, máy gặt, máy xay xát, xe ô tô tải…), đầu tư phát triển chăn nuôi, nghề và làng nghề…, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời giảm thiểu tối đa nạn cho vay nặng lãi ở các địa phương.

tang truong tin dung quy tin dụng

Anh Nguyễn Văn Bình, chủ cơ sở sản xuất tăm tre Thanh Bình An Đông (thôn Lai Triều, xã Thụy Dương) tâm sự: Với số vốn đầu tư ban đầu gần 5 tỷ đồng chưa kể đến chi phí nguyên liệu đầu vào mà không có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của Quỹ TDND Thụy Dương trong việc xét duyệt cho vay vốn thì tôi không thể phát triển được cơ sở như ngày hôm nay. Chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, với nhiều sản phẩm đa dạng từ tre như tăm vip hộp, tăm vip vỉ, tăm nhọn…, cơ sở không chỉ xuất bán ở thị trường trong nước mà còn làm gia công xuất khẩu sang nước Nga. Trung bình 1 tháng, cơ sở sản xuất khoảng 20 tấn tăm tre các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt 14%, thời gian tới, Quỹ TDND Thụy Dương tăng cường bám sát mục tiêu hoạt động, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của ngành Ngân hàng và các địa phương để tập trung cho vay đúng trọng tâm, trọng điểm; cơ cấu dư nợ cho vay hợp lý, chủ động điều hòa nguồn vốn nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của các thành viên; nâng cao chất lượng công tác thẩm định đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; chủ động tìm kiếm khách hàng, cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng vay vốn…

(Nguồn: baothaibinh)

Share this post