Ngân hàng Nhà nước – điều hành chính sách tiền tệ tạo nền tảng vững chắc
Điều hành chính sách tiền tệ: Nền tảng vững chắc tạo sức bật mới
Những thành công của ngành ngân hàng đã góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011- 2015 của đất nước.
2015 là năm thành công về điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), cũng là năm kết thúc giai đoạn 2011 – 2015 với nhiều dấu ấn đặc biệt trong quản lý điều hành của ngân hàng nhà nước. Cùng Thời báo Ngân hàng nhìn lại chặng đường đã qua, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng những thành tựu này tạo nền tảng vững chắc để chúng ta bước sang giai đoạn mới, nhiều thách thức phía trước.
Giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá NHNN đã gặt hái nhiều thành công trong điều hành CSTT thời gian qua. Theo Phó Thống đốc, chúng ta đã đạt được thành tựu gì nổi bật?
Điểm dễ nhận thấy nhất là chúng ta đã rất thành công trong kiểm soát lạm phát. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất của ngân hàng nhà nước. Tháng 8/2011 lạm phát ở mức 23%, năm 2012 xuống còn 6,81%, năm 2013 ở mức 6,04%; năm 2014 giảm mạnh xuống 1,84%, và năm 2015 chỉ còn 0,60%.
Lạm phát thấp, đồng thời tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ cho GDP đạt mức tăng trưởng bình quân 5,9% trong giai đoạn 2011-2015. Lãi suất từ mức 20% – 25%/năm, thì nay lãi suất cho vay ngắn hạn còn khoảng 6% – 9%, trung và dài hạn còn 9% – 11%.
Về tỷ giá, thị trường ngoại tệ, vàng: Năm 2011, tỷ giá thường xuyên biến động, thị trường vàng có nhiều cơn sốt, ngoại hối biến động khôn lường… Nhưng đến nay tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng lên đáng kể. Đặc biệt những năm vừa qua thanh khoản của hệ thống ngân hàng rất tốt.
Những thành tựu nêu trên không những là kết quả của năm 2015 nói riêng mà còn là kết quả tiếp nối của cả một giai đoạn từ 2011 đến nay. Điều đó đã mang lại dấu ấn, sức mạnh của sự đổi mới trong chỉ đạo điều hành cũng như trong tổ chức thực hiện hiệu quả CSTT và hoạt động ngân hàng trong một giai đoạn đầy khó khăn thách thức.
Nhìn lại chặng đường 2011 – 2015, Phó Thống đốc thấy có những điểm cần lưu ý?
Những thành công của ngành ngân hàng đã góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011- 2015 của đất nước.
Nhìn lại chặng đường qua, tôi thấy có những điểm lưu ý: Thứ nhất, cần kiên định với những mục tiêu đã đặt ra. Những năm qua, thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động nên có ý kiến cho rằng chính sách nên thay đổi thế này, thế kia… nhưng NHNN đã rất kiên định trong việc kiểm soát lạm phát, không ngừng nâng cao vị thế của VND. Chính sách luôn có độ trễ, nếu chính sách chưa phát huy mà chúng ta đã thay đổi thì sẽ không có kết quả bền vững.
Thứ hai, đó là sự phối kết hợp giữa các công cụ một cách đồng bộ, linh hoạt, đúng thời điểm, chủ động dẫn dắt thị trường. Tùy từng điều kiện, diễn biến thị trường trong mỗi giai đoạn, ngân hàng nhà nước lựa chọn công cụ hiệu quả để sử dụng phù hợp trong thực tiễn, đạt được những mục tiêu đưa ra.
Thứ ba, bài học từ sự quán triệt phương châm điều hành của Thống đốc ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ. Những phương châm này là cốt lõi tạo nên thành công. Đó là, trong điều hành CSTT không chủ quan với lạm phát, luôn nâng cao vị thế của VND. Phương châm tiếp theo là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả.
Và điểm đáng lưu ý, giải pháp điều hành tốt nhưng phải đi đôi với công tác thanh tra, giám sát. Vì chính sách có tốt mà thanh tra giám sát không hiệu quả thì chính sách khó phát huy trong thực tế.
Ngoài ra, CSTT có sự chủ động trong việc kết hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, thể hiện sự phối hợp của NHNN với các bộ, ban, ngành, kể cả chính quyền địa phương và các đoàn đại biểu Quốc hội. Thời gian qua, ngân hàng nhà nước đã làm rất tốt điều này, tạo nên sự đồng thuận cao từ Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, đến người dân.
Và cuối cùng, truyền thông là công cụ truyền dẫn hiệu quả. Nếu truyền thông tốt sẽ tạo ra sự đồng thuận trong truyền tải định hướng điều hành của NHNN thì thị trường nhanh chóng ổn định.
Năm 2016 ngành NH bước sang giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn qua việc thực hiện các cam kết quốc tế. Theo Phó Thống đốc, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?
Dù đạt nhiều thành tựu quan trọng trong năm 2015 cũng như cả giai đoạn 2011-2015, điều hành CSTT hiện đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại của nền kinh tế cũng như những thách thức mới phát sinh từ những diễn biến khó lường của thị trường tài chính quốc tế. Trong đó, những vấn đề sau đây cần được lưu ý:
Một là, mặc dù lạm phát trong năm 2015 được kiểm soát ở mức dưới 1% nhưng chủ yếu do sự sụt giảm của giá hàng hoá quốc tế, chứ không phản ánh sự sụt giảm của cầu nội địa. Bởi vậy theo IMF, ngân hàng trung ương các nước không nên phản ứng thái quá với xu hướng giảm của lạm phát.
Bước sang 2016, các yếu tố hỗ trợ cho lạm phát thấp không còn thuận lợi khi việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý bước vào lộ trình mới và có thể tăng mạnh; cầu nội địa đang phục hồi tốt, lạm phát 2016 dự kiến cao hơn 2015.
Hai là, những biến động khó lường trên thị trường tài chính toàn cầu trong 2015 đã kéo theo việc điều chỉnh chính sách tỷ giá tại nhiều nước đang phát triển. Năm 2016, thị trường tài chính thế giới được dự báo chuyển sang một giai đoạn mới với nhiều diễn biến phức tạp: FED bắt đầu chu kỳ thắt chặt CSTT, dự kiến sẽ kéo dài từ hai đến ba năm. Cơ chế điều hành tỷ giá mới của Trung Quốc khiến đồng CNY biến động mạnh hơn…
Còn trong nước, tác động tâm lý trước những diễn biến của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế ngày càng lớn, nhất là khi tình trạng đô la hoá vẫn còn. Những thay đổi lớn này sẽ tạo ra những khó khăn, thách thức đòi hỏi cách thức điều hành tỷ giá mới phải có sự thay đổi theo hướng linh hoạt hơn để phù hợp với những diễn biến và thách thức mới.
Ba là, tín dụng bắt đầu tăng trưởng nhanh hơn huy động vốn sẽ là yếu tố gây áp lực lên mặt bằng lãi suất thị trường. Bởi vậy việc điều hành lãi suất của ngân hàng nhà nước trong 2016 sẽ khó khăn hơn. Cùng với đó, tín dụng trung dài hạn của các TCTD tăng nhanh từ năm 2014 đến nay, nếu tiếp tục xu hướng tăng nhanh sẽ tác động không thuận tới thanh khoản của hệ thống.
Bốn là, việc huy động TPCP bù đắp cho thâm hụt ngân sách với khối lượng lớn trong năm 2016 sẽ tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất thị trường. Bởi vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ phía chính sách tài khoá.
Năm là, việc triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và triển khai có hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống.
Vậy định hướng điều hành CSTT của NHNN năm 2016 như thế nào, thưa Phó Thống đốc?
Trên cơ sở đánh giá diễn biến và dự báo về kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, những thách thức đang và sẽ phải đối mặt, trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, trong năm 2016, ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.
Đây là điểm vô cùng quan trọng, đã mang lại thành công trong điều hành CSTT những năm qua. Các giải pháp điều hành được tập trung vào các trọng tâm sau: Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, tăng cường công tác phân tích, thống kê, dự báo để kịp thời tham mưu, chủ động đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp.
Ngân hàng nhà nước tiếp tục chủ động điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ của CSTT theo phương châm nâng cao vị thế VND; thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng để tiếp tục giảm tình trạng đô la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.
Cùng với đó, các giải pháp về tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, tiếp tục quán triệt phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý. Vốn tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tăng cường phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khoá trong đó theo dõi sát diễn biến thị trường, vốn khả dụng của các TCTD, kế hoạch phát hành, giải ngân TPCP để chủ động kịp thời trong điều hành CSTT.
Triển khai thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để truyền thông về các giải pháp điều hành CSTT và thực trạng hoạt động NH.
Chúng ta đã và tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó. Nhưng rõ ràng CSTT chỉ là một trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Hệ thống NH là trung gian tài chính trong nền kinh tế, chịu tác động bởi nhiều chính sách. Bởi vậy để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ nói chung và CSTT nói riêng, tôi cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các bộ, ngành.2016 được dự báo là năm có nhiều thách thức, khó khăn. Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo Phó Thống đốc cần sự phối hợp thế nào giữa các bộ, ngành?
Đơn cử, để tránh áp lực tăng lạm phát, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần tính toán mức độ, thời điểm hợp lý trong việc điều chỉnh các loại giá do Nhà nước quản lý như điện, y tế, giáo dục để lạm phát không bị đẩy cao hơn mức mục tiêu Quốc hội đề ra, tạo điều kiện ổn định lòng tin vào VND, ổn định thị trường tài chính tiền tệ.
Bộ Tài chính xác định khối lượng và lãi suất phát hành TPCP hợp lý để huy động được TPCP, tránh tạo áp lực tăng lãi suất cũng như gây áp lực đến điều hành của ngân hàng nhà nước.
Các cơ quan thông tin truyền thông phối hợp chặt chẽ với ngân hàng nhà nước đưa thông tin đầy đủ, phù hợp về các giải pháp điều hành CSTT, hoạt động NH để định hướng tâm lý thị trường, hạn chế tâm lý bất lợi không đáng có, ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, điều hành CSTT nói riêng.
(trích thoibaonganhang)