Ngân hàng nhà nước sẽ xử lý những hợp đồng mập mờ nhằm trục lợi gói 30.000 tỷ đồng

Ngân hàng nhà nước sẽ xử lý những hợp đồng mập mờ nhằm trục lợi gói 30.000 tỷ đồng

Ngân hàng nhà nước sẽ xử lý những hợp đồng mập mờ nhằm trục lợi gói 30.000 tỷ đồng

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

                    Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết sẽ thực hiện kiểm tra tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp đối với những nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ

Vừa qua, theo một số thông tin trên báo chí và dư luận phản ánh việc một số khách hàng vay vốn Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP bất ngờ và lo lắng khi biết số tiền giải ngân sau ngày 1/6/2016 sẽ chịu lãi suất vay thương mại.

Về vấn đề này Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng nhà nước nhấn mạnh, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP là giải pháp quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn cũng như tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có điều kiện cải thiện về nhà ở.

Đến nay về cơ bản chương trình đã đạt được các mục tiêu đề ra, chính sách này đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, thị trường đã phục hồi và phát triển khởi sắc.

“Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ  cho một đối tượng. Thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được ngân hàng nhà nước tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối chung về nguồn vốn, tập trung vốn tín dụng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN”, ông Đông cho biết.

Ông Đông cho biết tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN nêu rõ ngân hàng nhà nước thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này.

“Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của ngân hàng nhà nước kết thúc khi ngân hàng nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Theo đó, ngân hàng nhà nước sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 01/06/2013)”.

“Ngay từ đầu chương trình, ngân hàng nhà nước đã quy định rất rõ về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, lãi suất vay ưu đãi cũng như trong quá trình thực hiện ngân hàng nhà nước đã liên tục đăng tải quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này trên phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp  thông tin để doanh nghiệp, người dân được biết”, ông Đông nhấn mạnh.

Còn về thông tin cho rằng khách hàng vay vốn theo chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP chỉ được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay vốn còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường, ông Đồng khẳng định đã được nêu rõ trong Thông tư.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 và tại Khoản 3 Điều 1 Thông tư 32/2015/TT-NHNN ngày 18/11/2015 của ngân hàng nhà nước đã quy định rất rõ về thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở.

Theo đó, đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm).

Về thông tin cho rằng một số khách hàng vay vốn mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, ông Đông nhấn mạnh trách nhiệm đó của các NHTM.

“Trên cơ sở quy định của ngân hàng nhà nước tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các ngân hàng tham gia chương trình có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện việc thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ngân hàng cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất…vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng”, ông Đông nhấn mạnh.

Ông Đông khẳng định, về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, ngân hàng nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp.

(Theo bizlive.vn)

Share this post