Ngân hàng vẫn chiếm lĩnh thị trường thanh toán

Ngân hàng vẫn chiếm lĩnh thị trường thanh toán

Bên cạnh ngân hàng, ví điện tử, sắp tới đây thị trường thanh toán sẽ đón nhận thêm một đối thủ đáng gờm là Mobile Money. Thế nhưng, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng cho rằng, lĩnh vực thanh toán không hề “dễ ăn” vì lợi nhuận biên từ lĩnh vực này rất thấp, nhất là giai đoạn đầu phải chi khuyến mãi rất lớn để tạo lập thói quen thanh toán của người dùng.

Trước xu thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự phân chia trên thị trường này như thế nào?

Với sự tham gia ngày càng nhiều các đơn vị trung gian thanh toán chắc chắn thị phần thanh toán sẽ phân chia lại. Tôi cho rằng, về cơ bản ngân hàng có nhiều lợi thế nên vẫn duy trì thị phần thanh toán tốt. Bên cạnh đó, các ví điện tử đã đi vào thị trường này một thời gian và cũng mở rộng sự hiện diện trên thị trường thanh toán khá tốt.

Nhưng trong tương lai, khi Mobile Money được hoạt động thì họ có cơ hội phát triển nhanh hơn so với các ví điện tử. Vì khách hàng muốn dùng ví điện tử vẫn phải mở tài khoản tại ngân hàng để chuyển tiền từ tài khoản sang ví điện tử. Trong khi đối với Mobile Money chỉ cần có điện thoại di động là người dùng cũng có thể chuyển tiền được cho nhau hoặc thanh toán dịch vụ. Trong khi hiện đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng vẫn còn khá lớn, nên Mobile Money có thể khai thác tốt được phân khúc khách hàng này. Có thể trước mắt, thị trường đón nhận sản phẩm này tích cực, nhưng để tạo thói quen cho người sử dụng cần phải có thời gian và tốn kém chi phí nên thị phần thanh toán cho Mobile Money vẫn còn hạn hẹp. Nhưng trong tương lai đây là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ đối với các ngân hàng, nhất là với các ví điện tử.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta chuẩn bị cho Mobile Money quá thận trọng, ông có nghĩ vậy không?

Tôi nghĩ là không. Vì nhiều nước lớn, ngay cả ở Mỹ cũng vậy, họ không khuyến khích dùng sản phẩm này của các hãng viễn thông vì có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, cung tiền. Còn ở Việt Nam, do nhiều người dân chưa có tài khoản ngân hàng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nên Mobile Money được khuyến khích phát triển. Nhưng vì khối lượng người sử dụng lớn nên hoạt động Mobile Money cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhất định.

Vậy, giải pháp nào để kiểm soát rủi ro đối với hoạt động của Mobile Money?

Tôi cho rằng, trước hết phải kiểm soát được dòng tiền vào Mobile Money. Điều mà nhiều người đang lo ngại là có thể nhà mạng dùng tiền đó đầu tư vào hoạt động rủi ro mà người dùng không kiểm soát được. Nếu trường hợp đó xảy ra, không loại trừ trường hợp người sử dụng dịch vụ này bị mất tiền. Vì vậy, cần có giải pháp kiểm soát để đảm bảo an toàn cho người sử dụng Mobile Money. Vấn đề thứ hai cần phải kiểm soát dòng tiền ra vào Mobile Money để không ảnh hưởng đến cung tiền, điều hành chính sách tiền tệ nói chung. Điểm nữa phải lưu ý là ngăn ngừa nguy cơ rửa tiền. Trước đây thẻ cào của các nhà mạng cũng đã bị dùng cho mục đích đánh bạc. Không loại trừ, Mobile Money là đích ngắm mới của loại tội phạm này dùng tiền đó để giao dịch một cách bất hợp pháp.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ phải làm gì để giữ và mở rộng được thị phần, thưa ông?

Đối với ngân hàng, việc phát triển mở rộng mạng lưới có ý nghĩa rất quan trọng làm tăng cơ hội quảng bá sản phẩm dịch vụ chiếm lĩnh thị phần. Song song với đó cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm phí để khuyến khích người sử dụng nhiều hơn. Nhất là vấn đề bảo mật tiếp tục phải tăng cường hơn nữa để củng cố niềm tin cho khách hàng. Còn ví điện tử, Mobile Money để mở rộng thị phần, họ phải quảng bá sản phẩm tốt hơn và nên hướng đến phân khúc khách hàng khu vực vùng sâu, xa. Yếu tố nữa tạo sức cạnh tranh cho các nhà thanh toán đó là giá cả. Đối với thị trường Việt Nam vấn đề giá cả vô cùng quan trọng, nếu chi phí khách hàng phải bỏ ra khi sử dụng ví điện tử hay Mobile Money mà cao chắc chắn không được thị trường đón nhận. Nên thời gian đầu họ chấp nhận hy sinh lợi nhuận thiết lập mức giá dịch vụ hợp lý để đưa sản phẩm của mình vào sâu hơn thị trường thanh toán.

Sự cạnh tranh của các ví điện tử và tới đây là Mobile Money có thể ảnh hưởng đến thị phần thanh toán của ngân hàng. Nhưng như phân tích ở trên, ngân hàng vẫn sẽ là thành phần chính trong thị trường thanh toán vì dù sao chăng nữa ngoài uy tín, các sản phẩm đa dạng, đặc biệt tính bảo mật trong hoạt động thanh toán được ngân hàng đầu tư kỹ lưỡng và dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN nên độ tin cậy vào các dịch vụ ngân hàng là rất lớn. Tôi nghĩ, ít nhất 3-5 năm tới ngân hàng vẫn nắm chủ yếu thị phần thanh toán.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Nguyễn Vũ – thời báo ngân  hàng

Share this post