Một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Một số ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại lớn như BIDV, Vietcombank, hôm nay thông báo giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào những doanh nghiệp tốt.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hôm nay, 29-4, cho biết chính thức giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng Việt Nam áp dụng cho các khoản vay mới từ ngày hôm nay.
Cụ thể, ngân hàng này giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, và áp dụng lãi suất cho vay trung dài hạn tối đa không quá 10%/năm.
BIDV cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng kiểm soát chặt chẽ qui mô cho vay bất động sản, các dự án BOT, kinh doanh chứng khoán và các lĩnh vực có hệ số rủi ro cao, và tập trung tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp, được hưởng lợi từ chính sách hội nhập.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hôm 29-4 cho biết cũng đưa ra gói ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, Vietcombank cho biết dành gói ngân sách khoảng 300 tỉ đồng (có được từ nguồn tiết giảm chi phí quản lý, tối ưu hoá quy trình, quản trị tốt rủi ro và nâng cao hiệu suất kinh doanh) để hỗ trợ doanh nghiệp trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Với gói ưu đãi này, Vietcombank cho biết điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn bằng đồng Việt Nam về tối đa 10% trong thời gian một năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hôm nay cũng công bố dành 5.000 tỉ đồng cho vay các doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn (đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều…) và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại TPBank và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tuần giữa tháng 4-2016, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
NHNN từ cuối năm ngoái cho biết sẽ cố gắng giảm nhẹ lãi suất cho vay trung và dài hạn so với năm 2015 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ngân hàng khi được báo chí hỏi đều cho biết khó có thể đưa mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa và chỉ có thể cố gắng giữ mức lãi suất như năm 2015. Bởi vì, tăng trưởng huy động thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng, và lạm phát năm nay cũng được dự báo cao hơn năm ngoái.
Từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều ngân hàng từ quy mô nhỏ đến lớn đều tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi cũng như do lo sợ dòng tiền chảy sang các ngân hàng khác. Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng hiện ở mức 6,4-7,2%/năm.
Do đó, việc ngân hàng thực sự giảm lãi suất cho vay, nếu không khéo hoặc không được thực hiện cùng các giải pháp khác, có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Theo thông tin hôm 29-4, BIDV cho biết đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng và các chỉ số an toàn theo qui định của NHNN. Đặc biệt, từ nay đến cuối 2016, BIDV sẽ nỗ lực tiết giảm 500- 600 tỉ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng, cải tiến qui trình nghiệp vụ, ….
(trích thesaigontimes)