Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh: Sóng cả không ngã tay chèo

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh: Sóng cả không ngã tay chèo

Bên cạnh tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu trong năm qua, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh còn quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng kịp thời ứng phó và khắc phục khó khăn liên quan đến đại dịch Covid-19 và những đợt mưa lũ liên tiếp…

“Sức đề kháng” và tiềm lực nội tại

Năm 2020, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội của Hà Tĩnh cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước. Trong bối cảnh nhiều khó khăn đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực vào cuộc, chia sẻ với người dân, doanh nghiệp (DN), góp sức cùng địa phương vực dậy nền kinh tế.

Theo ông Phan Viễn Đông – Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, năm 2020 những khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung và ở Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên với những nỗ lực của toàn ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp, đồng hành của cộng đồng DN, người dân nên hoạt động ngân hàng đạt được nhiều kết quả khả quan và toàn diện.

Cụ thể, các chỉ tiêu quan trọng đặt ra từ đầu năm cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần tích cực cùng tỉnh nhà thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội. Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm NHNN tỉnh đã phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh cho các TCTD hoạt động, đồng thời tạo mối quan hệ phối hợp ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả với các cấp, các ngành. Thông qua nhiều hình thức, đã chuyển tải thường xuyên các cơ chế chính sách liên quan hoạt động ngân hàng đến các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư; Kịp thời phản ánh các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất các biện pháp tháo gỡ lên cấp trên xử lý. Trong khi đó, về phía các TCTD đã tích cực đẩy mạnh công tác huy động vốn tại chỗ, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn ngân hàng.

Trong đó, tổng nguồn vốn đến ngày 31/12/2020 đạt 70.016 tỷ đồng. Huy động vốn tăng trưởng tốt (tăng 23,6%), đáp ứng nhu cầu tín dụng trên địa bàn. Nguồn vốn trung dài hạn tăng đến 23,38%, chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn. Nhờ đó, các TCTD đã chủ động được nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay có hiệu quả trên địa bàn… Trong khi đó, dư nợ đạt 60.254 tỷ đồng, tăng 16,07% so với đầu năm, vượt kế hoạch đề ra. Nguồn vốn tín dụng tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung trong toàn tỉnh; Doanh số cho vay tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019, chứng tỏ nguồn vốn quay vòng nhanh, mức độ hoạt động của các ngân hàng càng ổn định và có hiệu quả, số lượng khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhiều. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để đầu tư phát triển sản xuất và tiêu dùng…

Đặc biệt, chất lượng tín dụng được đo bằng tỷ lệ nợ xấu mà các TCTD trên địa bàn hiện có. Trước khi năm kinh doanh 2020 khép lại, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn chiếm 1,14%, giảm so với cuối năm 2019 (tỷ lệ này năm 2019 là 1,42%, năm 2018 là 3,52%)… Đây cũng là một trong những “điểm sáng” của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong thời gian qua, đặc biệt đặt trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và thiên tai. Bởi vậy, có thể nói trong năm qua ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã giành thắng lợi ở những mục tiêu quan trọng. Trong đó, có tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu. Điều này, theo nhiều người đã chứng minh được khả năng “đề kháng” tốt và tiềm lực nội tại của ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đồng hành cùng nền kinh tế địa phương

Bên cạnh, tăng trưởng tín dụng và kiểm soát nợ xấu trong năm qua, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh còn quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng kịp thời ứng phó và khắc phục khó khăn liên quan đến đại dịch Covid-19 và những đợt mưa lũ liên tiếp. Để chia sẽ khó khăn, đồng hành cùng cộng đồng DN và các đối tượng khách hàng khác, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện rất nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, tập trung cơ cấu, cơ cấu lại các khoản vay, cho vay mới, giảm lãi suất; Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

NHNN chi nhánh tỉnh đã phối hợp với sở ngành tổ chức thành công Hội nghị đối thoại Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến giải đáp các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến Covid-19. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN: Dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 426,76 tỷ đồng, với 526 khách hàng được cơ cấu; Dư nợ miễn giảm lãi 102,93 tỷ đồng, cho 234 khách hàng với số lãi được miễn giảm 584 triệu đồng; Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu với dư nợ 8.232 tỷ đồng, cho 3.296 khách hàng. Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2020, các TCTD đã cho vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với doanh số cho vay là 26.237 tỷ đồng, đối với 7.496 khách hàng (lãi suất cho vay mới thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 0,05%/năm đến 3,3%/năm). Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ, các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại nợ cho 249 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu đạt 17.298 triệu đồng…

Điều đáng nói, mặc dù năm 2020 là năm khó khăn chung đối với tất cả các ngành, nhưng với mục tiêu tương trợ, lá lành đùm lá rách, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã tiết giảm chi phí để đồng hành cùng địa phương, cộng đồng DN, người dân vượt qua khó khăn. Tổng giá trị các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội mà ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện trong năm 2020 là 116,09 tỷ đồng (tăng hơn 22% so với năm 2019)…

Sóng cả không ngã tay chèo, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động của ngành Ngân hàng trong thời gian qua. Trong đó, Chi nhánh NHNN tỉnh với vai trò đầu mối đã kịp thời triển khai, chỉ đạo các TCTD thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách, chính sách của Chính phủ, ngành Ngân hàng bám sát chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với đảm bảo chất lượng tín dụng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các TCTD cần tập trung hơn nữa việc đáp ứng nguồn vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tiềm lực cho DN, người sản xuất ứng phó tốt với tình hình khó khăn trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên, vốn vay DN. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, quản lý chất lượng tín dụng gắn với giảm tỷ lệ nợ xấu, đảm bảo tăng trưởng cao, bền vững và an toàn hệ thống.

Được biết, năm 2021 Hà Tĩnh đặt chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trên 9%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 31.000 tỷ đồng; Kim ngạch xuất khẩu của địa phương đạt 1,2 tỷ USD; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 12.180 tỷ đồng… Tiếp tục đồng hành cùng nền kinh tế địa phương, cũng theo ông Phan Viễn Đông, ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngành. Đẩy mạnh hoạt động huy động vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay vốn có hiệu quả tại địa phương. Mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn tín dụng để cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và các dự án lớn, trọng điểm của Hà Tĩnh. Kết hợp hài hòa giữa mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh của các ngân hàng với việc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động: tăng từ 16% trở lên so với cuối năm 2020; Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng: tăng từ 14-16% so với cuối năm 2020; Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới mức 2%; Đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD trên địa bàn.

Nguồn: Nghi Lộc – Thời báo ngân hàng

Share this post