Ngành Ngân hàng Tuyên Quang: Thúc đẩy kinh tế địa phương
Ngành Ngân hàng Tuyên Quang: Thúc đẩy kinh tế địa phương
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tuyên Quang Trịnh Ngọc Tuấn khẳng định, thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ các DN, góp phần thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh.
Trong những năm gần đây, với những đổi mới về giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, duy trì tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, du lịch… tỉnh Tuyên Quang đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Năm 2015 và cả giai đoạn 2011 – 2015, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14% năm. Đời sống của nhân dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.368 USD, hoàn thành mục tiêu đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Góp phần không nhỏ vào thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng trên địa bàn
Theo ông Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, ngành Ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Thời gian qua, ngành NH đã chủ động phối hợp cùng các ngành để giải quyết khó khăn vướng mắc trong hoạt động. Bám sát kế hoạch phát triển kinh tế, thực hiện đầu tư, tạo đà cho tăng trưởng phát triển kinh tế.
Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Tuyên Quang, tính đến ngày 31/12/2015, tổng nguồn vốn huy động của các NH trên địa bàn đạt 13.286 tỷ đồng, tăng 3.161 tỷ đồng so với năm trước. Về đầu tư tín dụng, tổng dư nợ đạt 10.827 tỷ đồng, tăng 19,2% so với năm trước, so với kế hoạch đạt 105%. Trong năm, các Ngân hàng Thương mại đã tích cực xử lý được 83,3 tỷ đồng nợ xấu. Hiện nợ xấu của các NH còn 137,7 tỷ đồng, chiếm 1,27% trên tổng dư nợ.
Ông Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh Tuyên Quang cho biết, năm 2015, ngành NH tỉnh đã thực hiện điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định mặt bằng lãi suất, mở rộng tín dụng hợp lý cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên… đảm bảo hoạt động NH an toàn, phát triển, hiệu quả.
Đặc biệt các NH trên địa bàn đã triển khai thực hiện có kết quả các chính sách về tiền tệ, hoạt động Ngân hàng của Chính phủ, của NHNN và quy định của từng hệ thống NH, nhất là tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả và Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng…
Một trong những thành công của ngành Ngân hàng Tuyên Quang thời gian qua chính là thực hiện tốt Chương trình kết nối NH – DN nhằm hợp tác, hỗ trợ, giải ngân vốn giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tiếp tục chủ động thực hiện có kết quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN.
Theo đó, lũy kế đến 31/12/2015 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 378 DN với số dư nợ là 1.155 tỷ đồng. Ưu tiên thu nợ gốc trước, trả nợ lãi sau cho 148 DN với số dư nợ là 2.887 tỷ đồng. Các Ngân hàng Thương mại đã giải ngân cho vay hết 500 tỷ đồng theo cam kết với Hiệp hội DNNVV. Có thể nói, chương trình kết nối NH – DN đã đem lại thành công lớn cho cả NH, DN và địa phương.
Đánh giá cao những nỗ lực của ngành NH, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn nhấn mạnh: năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Do đó để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, ngành NH tỉnh cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông Phạm Minh Huấn cũng đề nghị ngành NH tiếp tục chủ động phối hợp cùng các ngành giải quyết khó khăn vướng mắc trong hoạt động; Ưu tiên vốn tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và thực hiện 3 khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định… góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Trịnh Ngọc Tuấn khẳng định, thời gian tới, ngành NH sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ các DN, góp phần thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh.
Năm 2016, các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 16% trở lên. Đặc biệt các NHTM sẽ ưu tiên vốn tập trung đầu tư cho các lĩnh vực đột phá của tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ; DN ứng dụng công nghệ cao; tham gia xây dựng nông thôn mới…
( trích thoibaonganhang)