Người nông thôn bắt đầu chuộng thanh toán không tiền mặt
Hơn 60% trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng Mobile Money là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Thông tin này được Vụ phó thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) ông Lê Anh Dũng, cho biết tại sự kiện Ngày không tiền mặt chiều 20/5.
Trên thực tế, tiềm năng của Mobile Money – dùng tài khoản viễn thông thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ – là rất lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, đánh giá Covid-19 đã giúp chuyển sự chú ý của khách hàng. Theo thống kê tại nhà băng này và trên toàn thị trường, tốc độ tăng giao dịch online đang diễn ra nhanh, đều khắp cả nước, không riêng tại khu vực đô thị.
“Một số điểm giao dịch ở vùng sâu, vùng xa của ngân hàng có lượng giao dịch online tăng tới 98%”, ông nói.
Những ngân hàng khác như Agribank còn đưa ra giải pháp các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cấp hạn mức thấu chi tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất… Đây là động thái được nhà băng cho rằng để khuyến khích và tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân ở nông thôn.
Gần đây, một số ngân hàng cũng đã hợp tác với Bộ Công an thí điểm dịch vụ rút tiền bằng căn cước công dân tại các ATM thông minh, nhận diện chủ thẻ bằng dữ liệu sinh trắc học. Ngoài thí điểm tại 5 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV và VietCapital Bank, tính năng này sẽ được nhân rộng tại nhiều ngân hàng thương mại và thành phố, tỉnh thành khác.
Chia sẻ về dịch vụ mới này, ông Dũng cho biết việc tận dụng căn cước công dân gắn chip là phương thức xác thực tin cậy cho các dịch vụ ngân hàng, giảm thiểu được xác suất giả mạo so với khi sử dụng chứng minh thư nhân dân. Sắp tới, việc sử dụng căn cước công dân trong các dịch vụ ngân hàng sẽ được mở rộng hơn – có thể sử dụng tại các điểm chấp nhận tại các quầy giao dịch ngân hàng để phòng ngừa giao dịch giả mạo.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 66% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán. Tỷ lệ người có tài khoản tăng trưởng với tốc độ bình quân hơn 11% trong giai đoạn 2015-2021, theo số liệu từ Vụ phó thanh toán.
Hết tháng 4, giao dịch qua Internet của cả nước về số lượng và giá trị tăng tương ứng 48% và 32%, giao dịch qua điện thoại di động có mức tăng mạnh tương ứng 97% và 86%, trong khi đó qua QR code tăng lần lượt hơn 56% và 111% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt trong 4 tháng đầu năm nay cũng tăng trên 10% so với cuối năm 2021…
Nguồn: Quỳnh Trang – Vnexpress.net