Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố ban hành Thông tư 32/2015/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) có hiệu lực từ ngày 01/03/2016, siết chặt hơn so với các quy định trước đây nhằm tránh trường hợp lợi dụng chức vụ để vay, dẫn đến thất thoát vốn của Qũy tín dụng nhân dân như thời gian qua.
Một số nội dung cơ bản của Thông tư 32/2015/TT-NHNN thay đổi so với trước chủ yếu gồm quy định về cấu phần của vốn cấp 1, 2, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn, và đặc biệt là siết chặt về giới hạn cho vay.
Về tỷ lệ an toàn vốn vẫn giữ nguyên là 8%. Tuy nhiên, Thông tư 32 sửa đổi, bổ sung quy định về cấu phần của vốn cấp 1, 2 đảm bảo chính xác, phù hợp với bản chất kinh tế của từng cấu phần vốn tự có. Vốn cấp 1 gồm vốn điều lệ, vốn đầu tư xây dựng cơ bản mua sắm tài sản cố định, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, vốn của tổ chức/cá nhân tài trợ không hoàn lại, lợi nhuận không chia. Vốn cấp 2 tối đa bằng 100% vốn cấp 1, gồm quỹ dự phòng tài chính và dự phòng chung, tối đa bằng 1.25% tổng tài sản có rủi ro.
Thông tư cũng quy định cụ thể về các khoản phải loại trừ khỏi vốn cấp 1, vốn tự có. Theo đó, vốn cấp 1 phải trừ đi lỗ lũy kế và số vốn góp vào ngân hàng hợp tác xã. Khoản trừ khỏi vốn tự có là 100% chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản theo quy định pháp luật.
Về tỷ lệ khả năng chi trả, Thông tư 32 sửa đổi, bổ sung quy định về cấu phần của tài sản “có” có thể thanh toán ngay và cấu phần tài sản “nợ” phải thanh toán cho phù hợp với quy định của các văn bản liên quan.
Về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được cho vay trung và dài hạn là 30% (theo quy định cũ tại Thông tư 04/2015 là 20%) và theo nguyên tắc tính trên thời hạn còn lại của nguồn vốn và khoản cho vay.
Về giới hạn cho vay, Thông tư 32 quy định giới hạn cho vay phù hợp với quy định tại Điều 126, 127 Luật các tổ chức tín dụng và thực tiễn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. NHNN cho biết nhằm đảm bảo không gây rủi ro đạo đức, tránh trường hợp lợi dụng chức vụ để vay, dẫn đến thất thoát vốn của Qũy tín dụng nhân dân như thời gian qua.
Giới hạn cho vay tại Thông tư 32 cũng được siết chặt hơn trước. Cụ thể, Qũy tín dụng nhân dân không được cho vay không có bảo đảm, cho vay với điều hiện ưu đãi (lãi suất, hồ sơ, thủ tục, biện pháp đảm bảo, xử lý thu hồi nợ) cho các đối tượng (i) Thành viên HĐQT, BKS, Giám đốc, Phó GĐ, Kế toán trưởng của Qũy tín dụng nhân dân; (ii) Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên, thanh tra đang thanh tra tại Qũy tín dụng nhân dân; (iii) Doanh nghiệp có một trong các đối tượng trên sở hữu trên 10% vốn của doanh nghiệp đó; (iv) Người thẩm định, xét duyệt cho vay của Qũy tín dụng nhân dân (trước đây không có quy định này).
Với các đối tượng trên, tổng mức dư nợ cho vay không được vượt quá 5% vốn tự có của Qũy tín dụng nhân dân, phải được HĐQT thông qua, phải báo cáo Cục Thanh tra, giám sát NHNN nơi Quỹ tín dụng nhân dân đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh NHNN tỉnh khi phát sinh khoản vay, và phải báo cáo đại hội thành viên.
Tổng mức dư nợ cho vay đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá tổng số vốn góp và số dư tiền gửi của pháp nhân đó tại QTDND. Thời hạn cho vay đối với một thành viên là pháp nhân không được vượt quá thời hạn còn lại của số tiền gửi và khoản vay phải được đảm bảo bằng chính số tiền gửi tại Qũy tín dụng nhân dân.
Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của Qũy tín dụng nhân dân. Tổng mức dư nợ cho vay đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của Qũy tín dụng nhân dân. Các quy định này không áp dụng với các khoản cho vay ủy thác của Chính phủ, tổ chức và cá nhân, các khoản vay có đảm bảo bằng toàn bộ tiền gửi tại chính Qũy tín dụng nhân dân.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2016. Các quy định hết hiệu lực gồm Quyết định số 1328/2005/QĐ-NHNN và khoản 3 Điều 37 Thông tư số 04/2015/TT-NHNN./.
( trích vietstock)