Phải đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

NH

Phải đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

TS. Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, về giải pháp trước mắt, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng, lạm phát để điều hành linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng điều chỉnh trạng thái chính sách tiền tệ nếu cần, hài hòa trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh.

TS. Nguyễn Quốc Hùng

TS. Nguyễn Quốc Hùng

Tình hình dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp và tác động không chỉ đến đời sống xã hội mà gây ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề, trong đó có tín dụng ngân hàng. Vậy, tăng trưởng tín dụng diễn biến thế nào trong những tháng đầu năm và định hướng, giải pháp của NHNN để kịp thời cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, người dân và DN. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) xung quanh chủ đề này.

Ông có thể cho biết, tình hình tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay?

Hiện tại, dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Các lĩnh vực kinh tế – xã hội của nước ta đều chịu ảnh hưởng của dịch. Trong đó có những ngành, lĩnh vực chịu tác động ngay và lớn như nông lâm, thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu nông sản. Các ngành sản xuất công nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn giữa Việt Nam – Trung Quốc như điện, điện tử, da giày, dệt may, thép; du lịch, dịch vụ lưu trú và nghệ thuật, giải trí; vận tải, các dự án BOT, BT giao thông do giảm giao thương ảnh hưởng đến việc thu phí… nên đã ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng. Từ đó cũng đã tác động phần nào đến hoạt động tín dụng ngân hàng.

Tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.164.561 tỷ đồng, giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Trong đó giảm chủ yếu ở một số ngành bị ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến – chế tạo chiếm tỷ trọng 16,48% GDP, và chiếm tới 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế; kế đến nông lâm nghiệp thủy sản chiếm 13,96 GDP và dư nợ tín dụng chiếm 8,74% tổng dư nợ nền kinh tế và nhiều ngành khác dự kiến bị tác động mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giày, du lịch, thương mại… Theo đó tiềm ẩn nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng. Theo đánh giá đến ngày 12/2/2020 của 43 TCTD, dự kiến dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch chiếm khoảng 13% dư nợ của các TCTD này, khoảng 950 nghìn tỷ đồng. Trong đó các NHTM Nhà nước đánh giá dư nợ bị ảnh hưởng tới gần 600 nghìn tỷ đồng…

NHNN và các TCTD đã đưa ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN như thế nào, thưa ông?

Trước tình hình đó, NHNN ban hành Công văn số 541 ngày 4/2/2020 chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… Tiếp đó ngày 6/2/2020, NHNN tổ chức cuộc họp với 21 NHTM có dư nợ lớn đối với nền kinh tế yêu cầu các TCTD phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch để chủ động có những biện pháp hỗ trợ kịp thời thông qua xây dựng kịch bản hành động với các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh; tích cực giảm lãi suất đối với các khoản vay mới thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng do dịch… Đồng thời NHNN cũng yêu cầu các TCTD không được tăng lãi suất và nghiêm túc thực hiện quy định của NHNN về trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra một số tổ chức như CIC giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN. Napas cũng đã miễn giảm phí dịch vụ nhằm khuyến khích người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt…

Về phía TCTD, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN xây dựng các kịch bản hành động hỗ trợ khách hàng. Nổi bật có Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5% lãi suất trung, dài hạn. Đối với khách hàng vay USD hiện hữu sẽ giảm lãi suất 0,5%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 0,75%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn… BIDV cũng triển khai gói tín dụng ngắn hạn quy mô lên tới 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho các DN. Các NHTMCP cũng nhập cuộc tốt đều đưa ra các gói cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% – 1,5%/năm…

Các giải pháp hỗ trợ được các ngân hàng xem xét áp dụng trên cơ sở đánh giá mức độ ảnh hưởng thiệt hại của từng khách hàng đảm bảo đúng thực trạng nhằm ngăn chặn việc khách hàng lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ gặp khó khăn trong năm 2020. Vậy, NHNN có định hướng tháo gỡ để tăng trưởng tín dụng khả quan và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế?

NHNN vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Về giải pháp trước mắt, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng, lạm phát để điều hành linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng điều chỉnh trạng thái chính sách tiền tệ nếu cần, hài hòa trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Song song với đó chỉ đạo các TCTD đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay… Đồng thời thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để kịp thời có biện pháp hỗ trợ như cơ cấu thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi… Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc đặt ra, theo quy định hiện hành, chỉ có khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gặp khó khăn trong trả nợ vay do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được các TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ.

Có thể thấy tác động của đợt dịch bệnh này có phạm vi rộng và mang tính dây chuyền, ảnh hưởng không chỉ các khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp mà còn tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực khác như chia sẻ ở trên. Mà các khoản nợ thuộc các ngành, lĩnh vực khác lại chưa có quy định cơ chế đặc thù như lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Hiện các quy định về hoạt động tín dụng theo thông lệ quốc tế nên khi thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ đối với các khoản vay này, TCTD phải phân loại vào nhóm nợ cao hơn, dẫn tới điểm xếp hạng tín dụng bị sụt giảm khó khăn khi vay mới. Việc chuyển nhóm nợ ảnh hưởng đến chất lượng danh mục tín dụng, làm tăng trích lập dự phòng, nợ xấu, giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của TCTD.

Vì vậy, chỉ nỗ lực từ phía ngân hàng là chưa đủ. Để tạo điều kiện cho các TCTD có thể đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng, NHNN kiến nghị Chính phủ cho phép đối tượng khách hàng chưa trả được nợ vay ngân hàng đến hạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được hưởng cơ chế cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ tương tự như cơ chế tại Nghị định 55 và Nghị định 116 đối với khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ, NHNN sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD thực hiện cụ thể.

Tôi cho rằng, đến lúc này chúng ta phải hết sức bình tĩnh để đánh giá đầy đủ những tác động rồi đưa những giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài và tác động bất lợi đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành chính sách tổng thể có thể là Nghị định của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch. Trong đó NHNN đề xuất một số giải pháp như nghiên cứu để xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ đối với các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức lãi suất thấp. Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất/cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước. Đây là một giải pháp cần thiết và phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước…

Mặt khác, NHNN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do dịch bệnh để kịp thời đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội. Về phía Bộ Công thương cần triển khai các giải pháp đẩy mạnh thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu phát triển thị trường thay thế phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản… Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế như gia hạn thời hạn nộp thuế, miễn tiền phạt chậm nộp thuế… để hỗ trợ DNNVV, DN logistic, dịch vụ, du lịch, chế biến nông lâm thủy sản…

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!   

Hà Thành thực hiện

Share this post